Gần 10 năm theo đuổi sự nghiệp “trồng người”, BS.TS Hoàng Hà, phó hiệu trưởng Trường Y dược (CMP), ĐH Duy Tân, luôn có rất nhiều sáng kiến mới trong công tác đào tạo, giúp sinh viên y khoa tự tin đảm nhận công việc thực tế với trình độ chuyên môn tốt
Bác sĩ Hoàng Hà đang làm việc tại Trường Y dược (CMP), ĐH Duy Tân
Người tiên phong trong công tác phòng chống sốt rét tại thôn bản
Tốt nghiệp chuyên ngành nội nhi tại ĐH Y khoa Huế, chàng bác sĩ trẻ Hoàng Hà lúc bấy giờ đã về công tác tại Quân y Binh đoàn bộ, Binh đoàn 15, Quân khu V. Ngay sau khi xuất ngũ (khoảng tháng 10-1989), bác sĩ Hà đã về công tác ở Trạm Sốt rét tỉnh Quảng Trị với vị trí phó trưởng trạm, rồi sau đó đảm nhiệm chức vụ trưởng Trạm Sốt rét.
Những năm 1990 - 1992, ở khu vực biên giới Việt - Lào của tỉnh Quảng Trị, tình hình sốt rét vô cùng phức tạp. Số lượng bệnh nhân tử vong rất cao. Bác sĩ Hà đã cùng ban lãnh đạo và các cán bộ Trạm Sốt rét đưa ra sáng kiến tìm người tình nguyện phòng chống sốt rét ở khu vực này. Đối tượng "người tình nguyện" lúc bấy giờ phần lớn là đồng bào dân tộc miền núi Pakô, Vân Kiều có trình độ văn hóa chỉ lớp 2, lớp 3.
Một số học viên nghe, viết và nói tiếng Kinh còn chưa thạo khiến việc tiếp nhận thông tin để sau đó tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân phòng chống sốt rét ít nhiều bị hạn chế. Trước thực trạng đó, bác sĩ Hà đã mở những lớp học đầu tiên mang tên "Người tình nguyện làm công tác phòng chống sốt rét tại thôn bản", để vừa dạy tiếng Kinh vừa hướng dẫn cách thức phòng chống bệnh sốt rét cho các tình nguyện viên người dân tộc. Các học viên tình nguyện này về sau đã trở thành nòng cốt cho y tế thôn bản của Bộ Y tế.
Trong quá trình đào tạo người tình nguyện, có một kỷ niệm khiến bác sĩ Hà không thể nào quên: "Đó là vào một đợt tập huấn trực tiếp cho y tế thôn bản tại xã A Bung, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Bất ngờ có một bệnh nhân sốt rét ác tính bị hôn mê ngay tại bản mà không thể đưa về bệnh viện được. Tôi đã cùng các cán bộ y tế huyện, xã, thôn bản tiến hành cấp cứu và cứu sống bệnh nhân này.
Được biết trước đó, thầy mo được mời về cúng đã bỏ cuộc. Bởi thế, người dân tộc miền núi từ đây càng tin tưởng các cán bộ y tế. Còn các học viên khi được chứng kiến và thực hành thực tế với trường hợp bệnh nhân này đã thu thập được những kinh nghiệm bằng cả mấy năm đi thực tập lâm sàng".
Bác sĩ Hà (thứ 3 hàng trên bên phải) tham gia một hội nghị về phòng chống sốt rét
Để lan rộng mô hình này, bác sĩ Hoàng Hà đã viết bài báo về "Xây dựng và củng cố mạng lưới tình nguyện viên làm công tác phòng chống sốt rét ở thôn bản". Bài báo đã được đăng ngay trong Tạp chí số 4-1994 của Phân viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn (nay là Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn).
Đây được xem là bài viết đầu tiên về xây dựng và hoạt động của Mạng lưới Y tế thôn bản của Việt Nam và là tài liệu tham khảo chính của một luận văn tốt nghiệp thạc sĩ ở Bỉ của nguyên phân viện trưởng Phân viện - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM. Ngay sau đó, năm 1995, Bộ Y tế đã bắt đầu cho đào tạo và hình thành Mạng lưới Y tế thôn bản quốc gia.
Từ năm 1999 - 2013, khi Trạm Sốt rét nhập vào Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị, bác sĩ Hà tiếp tục được giao đảm nhiệm vị trí phó giám đốc trung tâm.
Với những đóng góp không nhỏ dành cho ngành y tế tỉnh Quảng Trị nói riêng và ngành y tế cả nước nói chung, bác sĩ Hoàng Hà đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú năm 2009, được trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì "Đã có thành tích trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân" bên cạnh rất nhiều bằng khen của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị với thành tích trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong nhiều năm từ 1990 đến 2013.
Bác sĩ Hoàng Hà cũng là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh 2006 - 2010, Chiến sĩ thi đua cơ sở liên tiếp trong 20 năm.
Học nghề y là không giới hạn thời gian và nội dung cần phải học
Sau khi lấy bằng tiến sĩ ngành y tế công cộng vào năm 2014, với tâm huyết muốn truyền thụ kiến thức cho lớp trẻ, góp phần đào tạo ra những thế hệ bác sĩ vững chuyên môn và giàu y đức, bác sĩ Hà đã quyết định chuyển sang làm thầy giáo giảng dạy trực tiếp trên giảng đường. Năm 2017, bác sĩ Hà đã về làm việc tại ĐH Duy Tân.
BS.TS Hà (thứ bảy từ phải qua) nhận giải nhì tại Hội nghị Ứng dụng y sinh trong lâm sàng ở TP.HCM
Thời gian này, cùng với công tác giảng dạy tại trường, BS.TS Hà vẫn tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học của những năm trước đó. Ông đã cùng đồng nghiệp đến từ Nhật Bản, Lào, và Ủy ban Y tế Việt Nam - Hà Lan nghiên cứu tình hình sốt rét ở vùng biên giới Việt Nam và Lào. Nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện một loài ký sinh trùng sốt rét mới đầu tiên ở Việt Nam và là loài thứ 5 trên thế giới. Hai bài báo quốc tế về nội dung này đã được đăng tải.
Khi tham dự Hội nghị Ứng dụng y sinh trong lâm sàng ở TP.HCM, BS.TS Hà đã được trao giải nhì với đề tài "Nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi từ khỉ sang người ở vùng biên giới Việt - Lào". Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với chủ trương của Bộ Y tế và sự đồng ý của ĐH Duy Tân, BS.TS Hà cùng 4 giảng viên khác đã mở 3 lớp tập huấn về tiêm chủng vắc xin COVID-19 online cho hơn 700 giảng viên, sinh viên Trường Y dược (CMP), từ đó đã hỗ trợ cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia hàng chục nhân viên y tế.
Đảm nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng Trường Y dược (CMP), ĐH Duy Tân với khá nhiều thời gian dành cho công tác quản lý cùng nghiên cứu khoa học nhưng BS.TS Hà vẫn luôn được các bạn sinh viên hết mực yêu quý. Là bởi bác sĩ Hà không làm việc theo "giờ hành chính", mà cứ sinh viên cần là bác sĩ Hà... có mặt.
"Tôi quen với nhịp gấp gáp của ngành y mấy chục năm nay rồi. Tôi cũng thương những em sinh viên mới chập chững vào nghề còn chưa… ‘thấm’ nên tôi luôn dành thời gian để vừa định hướng, vừa chia sẻ, vừa định hình tư cách cho các em. Các em đã xác định theo ngành y là phải luôn giữ được ‘ngọn lửa’ đam mê của bản thân, học tập thật nghiêm túc, phải giỏi về cả lý thuyết và thực hành.
Học nghề y là không giới hạn thời gian và nội dung cần phải học - đó cũng chính là châm ngôn sống và làm việc của tôi, và tôi cũng muốn truyền tải đến với mọi sinh viên của mình. Tôi mong các em phải trưởng thành thật sớm, phải chuyên tâm học thật giỏi để tránh những sai sót trong ngành y. Bởi chính năng lực chuyên môn có được từ giảng đường đại học, từ thực tập thực tế sẽ là ‘phép mầu’ để cứu vớt mạng sống của một con người khi thực sự vào nghề, cũng chính là điều mà mỗi thầy thuốc đều luôn hướng đến", bác sĩ Hà cho hay.