Được tổ chức thường niên ở Đà Nẵng và trực tiếp diễn ra tại Đại học (ĐH) Duy Tân vào ngày 8.6.2024, DevDay 2024 - Ngày hội Công nghệ thông tin do Công ty Axon Active Việt Nam và ĐH Duy Tân phối hợp tổ chức năm nay đã xác lập nhiều con số ấn tượng.
Sự kiện đã kết nối cộng đồng công nghệ cũng như mang đến những cơ hội việc làm lý tưởng cho sinh viên thông qua quá trình gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia và nhà tuyển dụng thuộc các doanh nghiệp lớn mạnh nhất trong nhiều lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông.
TS Nguyễn Đức Mận - Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo Quốc tế (IS) thuộc ĐH Duy Tân
tặng quà lưu niệm cho các doanh nghiệp đồng hành với Devday 2024
Phát biểu tại DevDay 2024, ông Trần Ngọc Thạch - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT-TT) TP.Đà Nẵng cho biết: "Công nghệ thông tin được xác định là một trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn ưu tiên phát triển của TP.Đà nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Trong những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo động lực thúc đẩy, phát triển lĩnh vực Công nghệ thông tin, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào thành phố…
Sở TT-TT đang xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển Vi mạch bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo, trong đó chú trọng công đoạn thiết kế chip và lắp ráp, kiểm thử, đóng gói. Mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 5.000 nhân lực trong lĩnh vực Vi mạch bán dẫn với 1.500 nhân lực Thiết kế vi mạch và 3.500 nhân lực về Đóng gói, Kiểm thử, tham gia sâu vào Chuỗi giá trị Bán dẫn toàn cầu. Sự kiện Devday hay Ngày hội Công nghệ thông tin lớn thường niên tại Đà Nẵng chính là mô hình cụ thể hóa cơ chế hợp tác 4 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học."
Phiên thảo luận chuyên sâu "What's Next in AI" thu hút hơn 500 người tham dự và mang lại nhiều phản hồi tích cực
Với chủ đề "AInovation", DevDay 2024 thu hút 25 công ty công nghệ hàng đầu trong ngành như: Ecomdy, Đại Trần Gia Group, Abeam Consulting, Paradox, CMC Global, Talenten, Rikkeisoft, Rikai Technology, ENOUVO, HSBC, iViettech, mgm technology partners Vietnam, FPT Smart Clouds... DevDay 2024 khẳng định sức ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, khi năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm và đồng hành của nhiều doanh nghiệp lớn như: AgilityIO, Binance, Open Web Technology, Everfit Technologies Inc., ENOSTA GROUP, TAS Design Group, Saigon Technology, Kozocom…
Những điểm nhấn gây ấn tượng mạnh của DevDay 2024:
- Số lượng người tham dự đông đảo với hơn 3.000 người tham dự.
- Số lượng app Eventomorrow tăng gấp 3 lần với hơn 2.200 lượt tải ứng dụng (Ứng dụng sự kiện Eventomorrow được sử dụng tích cực để theo dõi lịch trình, đặt chỗ hội thảo, chơi game tương tác với diễn giả và nhà tài trợ).
- 25 phiên hội thảo chuyên đề với chất lượng nội dung được đánh giá cao.
- 31 chuyên gia hàng đầu là diễn giả uy tín trong và ngoài nước đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về AI, Blockchain, Cybersecurity, Education, Semiconductor và nhiều lĩnh vực công nghệ mới khác.
- 1.500 phần quà được trao đến tay người tham dự.
- Phiên thảo luận chuyên sâu "What's Next in AI" đã chia sẻ về những nghiên cứu mới nhất, các ứng dụng tiềm năng của AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như cách mà AI có thể thay đổi cuộc sống con người trong tương lai.
- Gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghệ thu hút đông đảo người tham dự với nhiều sản phẩm có công nghệ mới nhất.
- Hoạt động tuyển dụng tại chỗ có số lượng lớn hồ sơ ứng tuyển vào các doanh nghiệp…
Nhiều hoạt động sôi nổi và lý thú đã diễn ra tại DevDay 2024
Ông Markus Baur - Giám đốc Điều hành Công ty Axon Active Việt Nam có những nhận định với nhiều triển vọng về sự kiện này: "DevDay do Axon Active Việt Nam khởi xướng và lần đầu tiên phối hợp tổ chức cùng ĐH Duy Tân ở mùa thứ 7 này. Phải nói chúng tôi vô cùng ấn tượng bởi sự nhiệt tình phối hợp tổ chức của Nhà trường để sự kiện được thành công như hôm nay.
Lựa chọn chủ đề của Devday 2024 là ‘AInovation’, chúng ta không chỉ đề cập đến xu hướng mới mà còn đưa ra một cái nhìn tích cực hơn về tương lai của ngành IT cũng như hiệu quả mang lại cao hơn, chất lượng tốt hơn và những thách thức thú vị hơn cho công việc của chúng ta. Sự xuất hiện của AI có thể khiến những công việc lập trình thường xuyên trở nên lỗi thời, nhưng nhu cầu cho công việc kỹ thuật thực sự sẽ vẫn tồn tại. Kỹ năng giao tiếp và chuyên môn nghề nghiệp sẽ ngày càng quan trọng hơn, làm cho kinh nghiệm nhiều năm trong một lĩnh vực cụ thể sẽ trở nên rất thiết yếu và làm nổi bật những nhược điểm của chuyện dịch chuyển hay thay đổi nhân sự thường xuyên. Bởi vậy, lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là hãy xem AI như một cơ hội. Hãy đặt mình vào vị trí của những kỹ sư thực thụ, đầu tư vào kỹ năng giao tiếp của bạn, và có được kiến thức sâu rộng trong một ngành mà bạn đam mê. Bằng cách đó, bạn sẽ có vị thế tốt để phát triển trong sự chuyển đổi do AI mang lại".
Sinh viên Trương Quốc Thắng (cầm mic - ảnh trái phía trên) và Đặng Trần Hoài An tham gia cuộc thi
Ngay tại DevDay 2024, cuộc thi "Competition of Optimize Power Use with AI and Data Science" (Sử dụng AI để Dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng, tối ưu hóa sử dụng năng lượng) do Công ty TAS Design Nhật Bản tổ chức đã thu hút 45 nhóm đăng ký tham dự đến từ các trường Khu vực TP.Đà Nẵng và TP.HCM. Vượt qua vòng loại do các chuyên gia của TAS Design Group lựa chọn, ĐH Duy Tân có 3 đội và ĐH Bách Khoa Đà Nẵng có 2 đội vào vòng Phát triển Mô hình dự báo. Kết quả có 3 đội được chọn vào vòng Chung kết với những giải thưởng đáng khích lệ:
- Giải Nhất thuộc về sinh viên ĐH Bách Khoa Đà Nẵng.
- Giải "Best Active Team" thuộc về nhóm thi của sinh viên Trương Quốc Thắng - ĐH Duy Tân cùng các thành viên.
- Giải "Best Planning Team" thuộc về nhóm thi của sinh viên Đặng Trần Hoài An - ĐH Duy Tân cùng các thành viên.
Sinh viên Trương Quốc Thắng - ĐH Duy Tân chia sẻ: "Chúng em đã xây dựng một mô hình dự đoán sử dụng Random Forest: là một thuật toán học máy mạnh mẽ và linh hoạt, thường được sử dụng trong các bài toán phân loại và hồi quy để triển trai trong trong việc dự đoán nhu cầu điện và sản lượng điện mặt trời. Random Forest hoạt động bằng cách xây dựng nhiều cây ra quyết định (decision tree) trên các tập dữ liệu con khác nhau và sau đó kết hợp kết quả từ các cây này để đưa ra dự đoán cuối cùng. Chúng em rất vui khi được tham gia cuộc thi rất thú vị này cũng như được trải nghiệm một ngày hội Devday vô cùng đặc biệt ngay tại ĐH Duy Tân để có thể thu nhận thêm thật nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến IT qua các phiên trình bày của các diễn giả, hay qua tiếp cận với các doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội việc làm cho bản thân."
TS Nguyễn Hữu Phú - Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân cho biết: "Kể từ năm 2015, DevDay ngày một phát triển trở thành sự kiện IT lớn của Đà Nẵng và ĐH Duy Tân vinh dự được đồng tổ chức sự kiện năm nay cùng Axon Active Vietnam. Nhà trường rất vui mừng khi chứng kiến sự kiện này ngày càng lớn mạnh và phát triển hơn qua từng năm. Thông qua sự hợp tác này, ĐH Duy Tân hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghệ Thông tin tại Đà Nẵng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của cả khu vực. Chúng tôi cam kết cung cấp cho sinh viên của mình nền tảng kiến thức tốt nhất trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và tự hào là một phần của sự kiện này - nơi giúp kết nối các chuyên gia trong ngành, các nhà nghiên cứu và sinh viên để trao đổi nhiều ý tưởng và kiến thức".