Với những cống hiến nổi bật trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng Trường Công nghệ & Kỹ thuật - Đại học Duy Tân đã được vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu TP. Đà Nẵng năm 2023-2024 và Nhà giáo tiêu biểu Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024. Nhân dịp này, PV Báo Công lý đã có cơ hội trò chuyện với thầy về hành trình nghề nghiệp và những suy nghĩ về vai trò của người thầy trong bối cảnh chuyển đổi số.
PV: Thưa PGS.TS. Nguyễn Gia Như, thầy có thể chia sẻ cùng bạn đọc Báo Công lý cảm xúc khi được trao giải thưởng Nhà giáo tiêu biểu TP. Đà Nẵng năm 2023-2024 và Nhà giáo tiêu biểu Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024?
PGS.TS. Nguyễn Gia Như: Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi cùng lúc nhận được hai giải thưởng Nhà giáo tiêu biểu TP. Đà Nẵng 2023-2024 và Nhà giáo tiêu biểu Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực cá nhân, mà còn là minh chứng cho sự đoàn kết và hỗ trợ của cả tập thể nơi tôi công tác.
Tôi cảm ơn Lãnh đạo Đại học Duy Tân và đồng nghiệp của tôi đã luôn ủng hộ, đồng hành, chia sẻ để tôi hoàn thành nhiệm vụ và có được sự ghi nhận vinh dự này. Tôi xem đây là động lực để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
PGS.TS. Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng Trường Công nghệ & Kỹ thuật- Đại học Duy Tân
PV: Điều gì khiến PGS.TS. tâm đắc nhất trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu?
PGS. TS. Nguyễn Gia Như: Điều khiến tôi tâm đắc nhất trong hành trình làm nghề giáo chính là được chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của sinh viên. Không gì hạnh phúc hơn khi thấy các em không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn biết cách vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, thậm chí vượt qua những kỳ vọng ban đầu. Thành công của các em không chỉ là thước đo của quá trình giảng dạy, mà còn là niềm tự hào lớn lao đối với một người thầy.
Ngoài ra, tôi đặc biệt chú trọng việc xây dựng một môi trường học tập và nghiên cứu khuyến khích sự sáng tạo và khám phá. Một môi trường mà ở đó sinh viên không sợ mắc sai lầm, sẵn sàng thử thách bản thân. Tôi tin rằng, giáo dục không chỉ đơn thuần là truyền đạt tri thức, mà còn là hành trình đồng hành cùng sinh viên trong quá trình định hình tư duy, phát triển bản thân và nuôi dưỡng những giá trị nhân văn bền vững. Điều ý nghĩa nhất đối với tôi là được chia sẻ, hướng dẫn và truyền cảm hứng để các em phát huy tối đa tiềm năng của mình. Tôi luôn cố gắng tạo ra những cơ hội để sinh viên được thử sức trong môi trường thực tiễn, đồng thời trang bị cho các em không chỉ kiến thức, mà còn cả lòng tự tin và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Đối với tôi, giáo dục là một mối quan hệ hai chiều. Khi tôi giúp sinh viên khám phá khả năng của họ, tôi cũng nhận lại được những góc nhìn mới mẻ và sáng tạo từ chính các em. Chính sự tương tác này làm cho hành trình giảng dạy và nghiên cứu trở nên sống động, giàu ý nghĩa và đầy thách thức. Những khoảnh khắc khi thấy sinh viên của mình trưởng thành, tự lập và thành công là động lực để tôi không ngừng đổi mới, hoàn thiện bản thân và cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Có thể nói, sự đồng hành và chứng kiến hành trình vươn lên của sinh viên là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, là ý nghĩa cốt lõi mà tôi luôn trân trọng trong sự nghiệp làm thầy.
PV: Theo PGS.TS. trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và có khả năng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, giáo dục đại học cần định hình lại vai trò của mình như thế nào để không chỉ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn nuôi dưỡng những giá trị nhân văn và khả năng sáng tạo mà AI không thể thay thế?
PGS. TS. Nguyễn Gia Như: Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, trường đại học đứng trước một nhiệm vụ kép: vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực phù hợp với thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng, vừa giữ vững sứ mệnh nuôi dưỡng những giá trị nhân văn và phát huy sự sáng tạo độc đáo của người học. Để thực hiện nhiệm vụ này, các trường đại học cần chuyển mình, không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức chuyên môn thuần túy, mà còn phải phát triển những năng lực toàn diện như tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề phức tạp và sự sáng tạo. Đây là những lĩnh vực mà ngay cả AI, dù phát triển đến đâu, vẫn khó có thể thay thế con người. Thay vì e ngại trước sự thay thế của AI, sinh viên cần được định hướng để sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, nâng cao hiệu quả việc học tập, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp.
Mặc dù AI vượt trội trong việc xử lý dữ liệu nhanh và chính xác, nó vẫn thiếu khả năng hiểu biết về đạo đức, lòng trắc ẩn và tinh thần trách nhiệm. Vì vậy, trường đại học cần đảm bảo rằng sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn được trang bị đầy đủ những giá trị nhân văn, để từ đó biết cách sử dụng công nghệ vì lợi ích của cộng đồng. Thêm vào đó, đặc trưng của thời đại AI là sự thay đổi liên tục trong kiến thức và công nghệ, đòi hỏi sinh viên phải được rèn luyện khả năng học tập suốt đời, giúp họ luôn sẵn sàng thích nghi và phát triển trong một thế giới biến động.
Để đáp ứng yêu cầu này, các chương trình đào tạo cần được cập nhật liên tục. Các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, AI và an ninh mạng cần được đưa vào chương trình giảng dạy phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề. Đồng thời, các môn học về tâm lý học và đạo đức học cũng cần được tích hợp để đảm bảo sự cân bằng giữa công nghệ và các giá trị nhân văn. Bên cạnh đó, trường đại học phải tạo dựng môi trường học tập linh hoạt, nơi sinh viên được khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo và thậm chí chấp nhận thất bại để phát triển ý tưởng một cách bền vững.
Đây chính là cách mà giáo dục đại học sẽ không chỉ thích ứng, mà còn dẫn dắt trong kỷ nguyên AI.
PV: PGS. TS. có thể cho biết vai trò của nhà giáo cần thay đổi như thế nào khi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo ngày càng tác động mạnh mẽ đến cách dạy và học?
PGS. TS. Nguyễn Gia Như: Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của nhà giáo đại học không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt tri thức, mà phải mở rộng và thích ứng với những yêu cầu mới của thời đại. Công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đã thay đổi cách tiếp cận và tiếp thu tri thức. Điều này đặt nhà giáo vào một vị trí mới, nơi họ không còn là "người độc quyền" cung cấp kiến thức mà trở thành người định hướng, dẫn dắt sinh viên trong hành trình tự học, tự khám phá.
Thứ nhất, nhà giáo cần đóng vai trò là người cố vấn và đồng hành. Thay vì chỉ tập trung vào việc giảng dạy chuyên môn, nhà giáo cần giúp sinh viên khả năng phát triển tư duy phản biện, kỹ năng sáng tạo và khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Đây là những năng lực mà công nghệ, dù hiện đại đến đâu, cũng không thể thay thế con người.
Thứ hai, truyền cảm hứng học tập và giá trị nhân văn. Trong thời đại mà thông tin có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng, sinh viên cần một người thầy không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn là tấm gương về đạo đức, trách nhiệm xã hội và tinh thần cống hiến. Nhà giáo cần truyền cho sinh viên niềm đam mê học hỏi, sự kiên trì trước khó khăn và ý thức sử dụng tri thức để đóng góp cho cộng đồng.
Thứ ba, nhà giáo phải luôn đổi mới và học hỏi. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc cập nhật kiến thức không chỉ là yêu cầu đối với sinh viên, mà còn đối với cả nhà giáo. Một người thầy đại học không thể dẫn dắt sinh viên nếu họ không bắt kịp những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực mình giảng dạy.
Giáo dục không chỉ tạo ra những cá nhân thành công mà còn phải xây dựng một thế hệ có trách nhiệm với tương lai của nhân loại.
PV: PGS.TS có thể chia sẻ đôi điều về một số đóng góp của mình, qua đó được khen thưởng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu TP. Đà Nẵng 2023-2024 và Nhà giáo tiêu biểu Bộ Giáo dục- Đào tạo 2024?
PGS. TS. Nguyễn Gia Như: Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Đại học Duy Tân, các đồng nghiệp và toàn thể sinh viên đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để tôi có thể hoàn thành tốt vai trò của mình. Những thành tựu đạt được không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn là kết quả của sự hợp tác, chia sẻ và cống hiến từ tập thể.
Trong suốt thời gian qua, tôi đã nỗ lực góp phần xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để nâng cao uy tín học thuật, hỗ trợ tốt nhất cho người học. Tôi đã có hợp tác và triển khai làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG, FPT, Hitachi…Trong năm học 2023-2024, thông qua chương trình Samsung Innovation Campus, tôi đã triển khai đào tạo cho hơn 500 sinh viên TP. Đà Nẵng chương trình đào tạo nhân tài công nghệ với các khóa AI, Big Data và IoT. Chương trình được Samsung Việt Nam đánh giá cao về sự thành công của một Trường Đại học tại Việt Nam trong việc triển khai chương trình này. Liên tục 2 năm 2023, 2024 Trường Đại học Duy Tân được Samsung Việt Nam tặng giải thưởng là đối tác chiến lược tốt nhất.
Với vai trò Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các trường Đại học- Cao đẳng Đào tạo Công nghệ thông tin Việt Nam (FISU Việt Nam), thư ký Hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành viên Ban điều hành Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực An toàn thông tin giai đoạn 2021-2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Hội đồng Khoa học của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng; tôi đã có những hoạt động và đóng góp nhỏ vào sự phát triển chung của ngành Công nghệ thông tin- truyền thông.
PGS.TS. Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng Trường Công nghệ & Kỹ thuật - Đại học Duy Tân (giữa)
chia sẻ: “Cống hiến vì sự nghiệp giáo dục là niềm hạnh phúc lớn nhất”
PV: Vậy PGS. TS. có thông điệp nào muốn gửi đến sinh viên?
PGS.TS. Nguyễn Gia Như: Tôi muốn gửi đến các bạn sinh viên một thông điệp chân thành: Hãy sống tử tế, biết ước mơ lớn và không ngừng nỗ lực thực hiện ước mơ đó. Trong một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, nơi công nghệ và những tiến bộ vượt bậc chi phối mọi khía cạnh của cuộc sống, điều giữ chúng ta vững vàng chính là những giá trị đạo đức, lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Tôi khuyến khích các bạn không chỉ mơ ước về những thành công cá nhân mà còn nghĩ xa hơn về những giá trị bạn có thể tạo ra cho thế giới. Khi bạn biết kết hợp kiến thức chuyên môn với ý thức trách nhiệm, bạn sẽ không chỉ là người thành đạt mà còn là người có ý nghĩa. Cuộc đời là một hành trình không ngừng học hỏi. Đừng sợ thất bại, vì đó là cơ hội để bạn trưởng thành và khám phá tiềm năng thực sự của mình.
PV: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin kính chúc PGS. TS. Nguyễn Gia Như cùng các thầy cô giáo luôn dồi dào sức khỏe, giữ mãi ngọn lửa đam mê với nghề, để tiếp tục đồng hành và chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Xin chân thành cảm ơn thầy đã dành thời gian chia sẻ.