Antonia Franziska Kahlitz, sinh viên đến từ đại học Đức, có 5 tháng học tập và tìm hiểu về văn hóa của Việt Nam cũng như thành phố Đà Nẵng.
Antonia Franziska Kahlitz đến từ Đại học Duale Hochschule Baden-Wurttemberg (DHBW) ở Villingen-Schwenningen, phía Nam nước Đức, vừa có một học kỳ trao đổi sinh viên đáng nhớ tại Viện Quản lý Nam Khuê, Đại học Duy Tân. Những trải nghiệm về môi trường học tập, kết nối bạn bè cũng như cuộc sống tại Đà Nẵng không chỉ là kỷ niệm mà còn là một phần hành trang của cô gái trẻ trên con đường phát triển sự nghiệp và hoàn hiện bản thân.
Với yêu cầu trao đổi quốc tế trong chương trình học của Antonia tại DHBW, cô cần học thêm một học kỳ tại trường đại học đối tác ở nước ngoài. Sau khi được DHBW giới thiệu về chương trình trao đổi sinh viên với một số trường đối tác, cô gái trẻ quyết định lựa chọn Đại học Duy Tân và ASEAN với chương trình học đa dạng.
Antonia Franziska Kahlitz chụp ảnh tại Đại học Duy Tân. Ảnh: Đại học Duy Tân
Tại Đại học Duy Tân, Antonia đăng ký học 5 môn bằng tiếng Anh gồm: Căn bản Kinh tế vĩ mô, Thương mại quốc tế, Luật thương mại, Quản trị bán hàng, và Anh văn chuyên ngành. Kết quả những môn học này được chuyển tiếp và ghi nhận trong bảng điểm của cô tại DHBW.
Chia sẻ cảm nhận khi học tại Viêt Nam, Antonia cho biết cô ấn tượng với sự chào đón của các giảng viên, trợ giảng cùng sinh viên trong lớp. Họ giúp cô nhanh chóng hòa nhập vào môi trường học tập mới. Các giảng viên luôn nhiệt tình và chu đáo trong việc giải đáp câu hỏi cũng như lồng ghép những ví dụ thực tế vào chương trình giảng dạy. Nhờ vậy, họ tạo được không khí sôi nổi, hấp dẫn cho từng giờ học và cảm hứng học tập cho sinh viên. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ học tập của trường cũng tương đối tốt khi các phòng được trang bị đầy đủ thiết bị điện tử giúp việc học tập trở nên thuận lợi.
"Thư viện nhà trường ở cơ sở Quang Trung là không gian học tập tuyệt vời và là nơi tôi thường xuyên ghé tới", cô tiết lộ.
Một điểm nổi bật cũng là điều Antonia thích nhất khi học tập tại Đại học Duy Tân là ngôn ngữ. Viện Quản lý Nam Khuê có nhiều lớp học chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh. Với những sinh viên đến từ các quốc gia không sử dụng tiếng Anh như Antonia, các giảng viên (gồm cả người Việt và người nước ngoài) sẽ kiên nhẫn giảng giải, giải thích cho đến khi họ nắm bắt được vấn đề cũng như có thêm vốn từ vựng mới quan trọng của ngành học. Điều này giúp giúp sinh viên quốc tế cảm thấy thoải mái và dễ dàng trong quá trình tiếp nhận kiến thức.
Theo Antonia, ở Đức, sinh viên không có điểm thành phần trong học kỳ mà chỉ phụ thuộc vào một bài kiểm tra cuối kỳ. Học tập tại Đại học Duy Tân, ngoài giờ giảng trên lớp, cô được tham gia thuyết trình, làm bài tập cá nhân, bài tập nhóm... và tất cả đều được đánh giá rất khách quan. Từ đây, mỗi sinh viên sẽ nâng cao tính độc lập và phát triển nhiều kỹ năng mềm hữu ích. Một kỹ năng quan trọng mà nữ sinh đến từ Đức đã cải thiện là thuyết trình trước đám đông. Nhờ chương trình học có nhiều bài thuyết trình, cô tự tin hơn khi đứng trước lớp và trình bày về quan điểm của mình hay một vấn đề nào đó.
Antonia trong một buổi thuyết trình. Ảnh: Đại học Duy Tân
Bên cạnh những môn học theo chương trình đã đăng ký, Antonia còn có cơ hội khám phá đời sống văn hóa Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng thông qua khóa học tiếng Việt cơ bản. Cô hiểu hơn về các danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng như: chùa Linh Ứng, Bà Nà Hills, Ngũ Hành Sơn, cầu sông Hàn... cùng các phong tục tập quán và cách sống của người dân Đà Nẵng. Qua đó, cô cũng mở rộng góc nhìn và tư duy về nền kinh tế, xu hướng kinh doanh ở Việt Nam, văn hóa công sở của người Việt... Theo Antonia, điều này sẽ giúp ích cho cô trong tương lai khi làm việc trong môi trường đa quốc gia.
Kết thúc một học kỳ tại Đại học Duy Tân để quay trở lại Đức học tập, Antonia chia sẻ một học kỳ trao đổi tại đây là trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời. Cô hy vọng sẽ có cơ hội quay trở lại đây vào một ngày gần nhất và sẽ có thêm nhiều sinh viên quốc tế khác cũng có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập tại Đại học Duy Tân.
Trong những năm gần đây, Đại học Duy Tân đẩy mạnh giao lưu trao đổi sinh viên quốc tế như Hàn Quốc, Anh quốc, Ấn Độ, Đức, Pháp, Ba Lan... Bên cạnh đó, trường cũng liên tục gửi đi khoảng 200 lượt sinh viên Việt Nam học tập, trao đổi, thực tập, nghiên cứu và làm việc với đối tác là các đại học và doanh nghiệp tại các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật, Singapore...