Với việc tập trung phát triển các giải pháp sáng tạo và khả thi áp dụng vào thực tiễn, cùng với phần trình bày poster mang tính khoa học, 2 nhóm sinh viên của Đại học (ĐH) Duy Tân đã xuất sắc giành 2 giải Ba tại Tiểu ban An ninh Thực phẩm và Tiểu ban Khoa học Công nghệ Thực phẩm trong Hội thảo Khoa học An toàn Thực phẩm và An ninh Lương thực lần thứ 8, diễn ra vào ngày 30/8/2024 tại Đại học Công Thương Tp. Hồ Chí Minh.
Nhóm đạt Giải Ba ở Tiểu ban An ninh Thực phẩm chụp hình cùng Poster của tham luận
Hội thảo Khoa học An toàn Thực phẩm và An ninh lương thực lần thứ 8 năm 2024 do Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ Trẻ cùng Đại học Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức có sự đồng hành của Sở Khoa học & Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh và Câu Lạc bộ các Nhà khoa học Trẻ Tp. Hồ Chí Minh. Hội thảo đã mang đến một môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp về lương thực, thực phẩm và dinh dưỡng trong thời kỳ chuyển đổi số. Có hơn 400 đại biểu tham dự với 111 bài tham luận từ 300 tác giả đến từ 50 đơn vị.
Ngay trong phiên Hội thảo Toàn thể, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, thực phẩm và lương thực tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời đề xuất các định hướng phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số. Các xu hướng tiêu dùng và thực trạng sản xuất thực phẩm cũng được đưa ra phân tích nhằm tìm kiếm giải pháp cho tương lai.
Nhóm đạt giải Ba ở Tiểu ban Khoa học Công nghệ Thực phẩm chụp hình cùng poster của tham luận
Phiên trình bày poster được tiếp nối tạo điều kiện để các nhà khoa học trình bày tham luận dưới hình thức poster. Có 2 tiểu ban thực hiện gồm:
- Tiểu ban An ninh Thực phẩm với 47 bài tham luận, và
- Tiểu ban Khoa học Công nghệ Thực phẩm với 64 bài tham luận
để chọn ra 6 bài tham luận xuất sắc trình bày trong Báo cáo Chuyên đề và cùng nhau thảo luận kỹ lưỡng.
Các nhóm đạt giải Ba ở các Tiểu ban nhận giải ở Hội thảo
ĐH Duy Tân có 2 tham luận được Hội đồng Khoa học lựa chọn và trao giải Ba. Cụ thể:
- Giải Ba ở Tiểu ban Khoa học Công nghệ Thực phẩm: trao cho nhóm sinh viên Võ Thị Thùy Trâm, Nguyễn Hoàng Mỹ Uyên, Tạ Thị Lần và Nguyễn Thị Thùy Linh với đề tài "Nghiên cứu quy trình sản xuất nước uống lên men từ vỏ cà phê Robusta sử dụng hệ vi sinh kefir". Tham luận này đã nhận được sự đánh giá cao nhờ vào việc tập trung phát triển các giải pháp sáng tạo và khả thi trong việc tái sử dụng phụ phẩm từ quá trình sản xuất cà phê. Bằng cách biến vỏ cà phê - thường bị bỏ đi thành sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường, nhóm đã giúp giảm thiểu lượng chất thải, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Những đóng góp này không chỉ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn mang lại giá trị bền vững cho xã hội.
- Giải Ba ở Tiểu ban An ninh Thực phẩm: trao cho nhóm sinh viên Trần Phạm Hương Ly, Đoàn Văn Đình Nguyên, Phạm Thị Khánh Vân, Nguyễn Chí Toàn và Phạm Thị Hải Yên với đề tài "Nghiên cứu mối tương quan giữa việc tuân thủ 10 nguyên tắc vàng và sự xuất hiện vi sinh vật trong thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh ở khu vực biển Mỹ Khê - Đà Nẵng". Tham luận này không chỉ mang tính học thuật mà còn hướng tới ứng dụng thực tiễn, góp phần cung cấp thông tin quan trọng giúp các cơ quan chức năng xem xét và nâng cao nhận thức về vệ sinh An toàn Thực phẩm (ATTP) cho các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại Mỹ Khê - một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh đang thu hút đông đảo du khách. Ẩm thực đường phố tại khu vực này không chỉ mang đậm nét văn hóa địa phương mà còn là điểm nhấn của du lịch Đà Nẵng. Và ở bất kỳ khu vực ẩm thực nào đều cũng đối mặt với những rủi ro về an toàn thực phẩm. Theo nghiên cứu của Phạm Thị Tuyết Mai và cộng sự, nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật chiếm tới 36%, với sự hiện diện của các loại vi sinh vật gây hại như Salmonella, Staphylococcus aureus, Coliform, và E. coli. Nhóm sinh viên đã đề xuất việc tuân thủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại khu vực biển Mỹ Khê.
Trở về từ Hội thảo, sinh viên Võ Thị Thùy Trâm chia sẻ: “Đến với Hội thảo, chúng em không chỉ học hỏi được nhiều cách thức để thực hiện nghiên cứu một cách có hệ thống từ việc lập kế hoạch, thu thập số liệu đến phân tích và viết báo cáo mà còn có cơ hội áp dụng lý thuyết vào thực tế để giải quyết các vấn đề cụ thể và phát triển những ý tưởng mới. Hội thảo còn giúp chúng em nâng cao kỹ năng ‘mềm’ như thuyết trình, làm việc nhóm và quản lý thời gian, đồng thời mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi từ các nhà khoa học, giảng viên và bạn bè đồng trang lứa. Những thành tích mà chúng em đạt được thực sự sẽ khích lệ rất nhiều trên con đường học tập và say mê nghiên cứu của chúng em. Từ đây, chúng em sẽ tự tin để phát triển bản thân để làm việc tốt nhất trong lĩnh vực của mình.”