star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Workshop: “Hacker with GPT - LLMs are starting to be used for hacking”


Ngày 13/4/2024, Trường Khoa học Máy tính - Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi workshop với chủ đề: “Hacker GPT - LLMs are starting to be used for hacking”. Buổi workshop đã mang đến cơ hội cho sinh viên của trường được giao lưu, trao đổi ý kiến và học hỏi từ các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực này.

 

Ông Tanaka Yuto chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về Chat GPT tại buổi workshop

 

Phát biểu tại workshop, PGS.TS. Nguyễn Gia Như nhấn mạnh: “Sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn có thể làm gia tăng các tấn công mạng bằng cách cung cấp công cụ mạnh mẽ cho những kẻ tấn công. Với khả năng tạo ra văn bản thuyết phục và tự nhiên, các mô hình này có thể được sử dụng để tạo ra các chiến dịch lừa đảo, phát tán tin giả và các hoạt động tinh vi khác nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và doanh nghiệp. Mặt khác, chính các công nghệ tương tự cũng cung cấp các phương tiện để phát hiện và ngăn chặn những tấn công này. Chẳng hạn, AI có thể được huấn luyện để phát hiện các mẫu thư điện tử lừa đảo hoặc các nỗ lực xâm nhập mạng bất thường, giúp tăng cường an ninh mạng và giảm thiểu thiệt hại. Trường Khoa học máy tính đã mời ông Tanaka Yuto - Giám đốc Fore - Z Japan là chuyên gia hàng đầu về An toàn thông tin tại Nhật Bản về chủ đề 'Hacker with GPT-LLMs are starting to be used for hacking' nhằm chia sẽ với cán bộ giảng viên và sinh viên những vấn đề cập nhật liên quan đến nguy cơ của tấn công mạng bằng cách sử dụng AI.

 

Đảm nhiệm vai trò là diễn giả chính của workshop, ông Tanaka Yuto đã cung cấp cho các bạn sinh viên rất nhiều thông tin bổ ích về Chat GPT. Không chỉ giới thiệu những kiến thức cơ bản về GPT, nguồn gốc, sự phát triển và chức năng của GPT trong cuộc sống hiện nay, ông Tanaka Yuto còn đặc biệt nhấn mạnh về khái niệm HackerGPT. Theo đó, HackerGPT là một công cụ hỗ trợ bảo mật sử dụng ChatGPT, được cho là nổi bật nhờ các hoạt động hack “có đạo đức”. Theo eSecurity Planet, mô hình này chỉ tạo ra các phản hồi tuân theo các chuẩn mực đạo đức và ranh giới pháp lý, đảm bảo người dùng thực hiện các hành động hợp pháp và có trách nhiệm. Trong đó, HackerGPT nổi bật với các chức năng: Network Hacking, Mobile Hacking, Tạo Payload, Phân tích Vecto tấn công,... 

 

Sinh viên Duy Tân đặt câu hỏi giao lưu với diễn giả 

 

Cấu trúc của công nghệ AI và phân tích sự cần thiết của nguồn nhân lực an ninh trong tương lai cũng là những vấn đề quan trọng được ông Tanaka Yuto nhắc đến trong buổi workshop. Ông đã khẳng định rằng: Những năm gần đây, có nhiều nhà nghiên cứu định nghĩa AI theo nhiều nghĩa khác nhau nên hiện tại AI vẫn nằm trong tình trạng chưa có định nghĩa cụ thể. Trước tình hình nhu cầu AI ngày càng tăng thì dự đoán vào năm 2030 sẽ thiếu khoảng 124.000 nhân lực làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng. Tuy nhiên, thực tế thiếu hụt nhân lực an ninh mạng vẫn đang một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết ngay lập tức. Bên cạnh đó, ông Tanaka Yuto cũng rất nhiệt tình giải đáp những thắc mắc của sinh viên Duy Tân về những vấn đề liên quan đến Hacker GPT và AI.  

 

Workshop “Hacker with GPT - LLMs are starting to be used for hacking” thực sự là một hoạt đồng rất bổ ích và thiết thực đối với sinh viên Trường Khoa học Máy tính và Trường Đào tạo Quốc tế thuộc Đại học Duy Tân. Những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích về Kỹ thuật mạng và An ninh mạng thu nhận được từ Workshop không chỉ giúp các bạn sinh viên nâng cao được sự hiểu biết của bản thân, hiểu rõ hơn ngành nghề mình đang theo học mà còn giúp ích rất nhiều cho thực tế công việc của các bạn trong tương lai.