star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Những lỗi sai thường gặp của sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc khi học môn Phiên dịch


Common mistakes of Chinese-majored students in learning Translation

Đặng Thụy Liêna,b[1], Nguyễn Phước Tâmc

Thuy Lien Danga,b*, Phuoc Tam Nguyenc

 

aViện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao, Trường Ðại học Duy Tân, Ðà Nẵng, Việt Nam

aInstitute of Research and Development, Duy Tan University, Da Nang, 550000, Vietnam

bKhoa Tiếng Trung, Trường Ðại học Duy Tân, Ðà Nẵng, Việt Nam

bFaculty of Chinese Language, Duy Tan University, Da Nang, 550000, Vietnam

cKhoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Trà Vinh, Trà Vinh, 940000, Vietnam

                                                     cFaculty of Foreign Languages, Tra Vinh University, Tra Vinh, 940000, Vietnam

 

 

 

Tóm tắt

Phiên dịch là một trong những môn học quan trọng trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc nói chung và chuyên ngành Tiếng Trung biên - phiên dịch nói riêng. Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều làm các công việc có liên quan đến phiên dịch (dịch nói) và biên dịch (dịch viết). Trong đó, phiên dịch được xem là khó hơn, vì môn học này ngoài yêu cầu về kiến thức và năng lực ngôn ngữ còn phải kết hợp, vận dụng nhiều kĩ năng để đạt được hiệu quả cao, như nghe hiểu, ghi nhớ, ghi chép, diễn đạt… Không ít sinh viên gặp nhiều khó khăn với môn học này và thường xuyên gặp phải những lỗi sai trong quá trình phiên dịch, cả về kiến thức ngôn ngữ lẫn kĩ năng dịch thuật. Thông qua phương pháp thống kê và phân tích, bài viết sẽ chỉ ra những lỗi sai thường gặp của sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, từ đó đưa ra một số kiến nghị khắc phục để nâng cao chất lượng dạy và học môn này.

 

Từ khoá: tiếng Việt; tiếng Trung; phiên dịch; lỗi sai

 

Abstract

Interpreting is one of the important subjects in the training program for the Chinese Language major in general and the Interpretation - Translation Chinese Language specialist in particular. Most of the students after graduating have jobs related to interpretation (oral translation) and translation (written translation). Specifically, translation is considered more difficult, because this subject not only requires knowledge and language ability, must also combine and apply many skills to achieve high efficiency, such as listening comprehension, memorization, taking notes, expressing… Many students have many difficulties in this subject and often make mistakes while translating, both in terms of language knowledge and translation skills. Through statistical and analytical methods, the article points out the common mistakes of Interpretation - Translation Chinese-specialized students, thereby has come out with some recommendations  to improve the quality of teaching and learning on this subject.

 

Keywords: Vietnamese; Chinese; translate; mistake

 

1. Đặt vấn đề

 

Phiên dịch là một hoạt động giao tiếp đa văn hóa, là cầu nối để những người sử dụng các ngôn ngữ khác nhau có thể giao tiếp với nhau; là hoạt động ngôn ngữ tái hiện một cách chính xác và đầy đủ nội dung tư tưởng được thể hiện bằng một ngôn ngữ khác. Hoạt động này đòi hỏi nhiều kiến thức và kĩ năng quan trọng để thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác, bao gồm nghe hiểu, ghi nhớ, ghi chép, diễn đạt… Muốn đạt được các kĩ năng trên, sinh viên cần trải qua một quá trình trau dồi, học hỏi, luyện tập, nhận biết lỗi sai và khắc phục lỗi sai để nâng cao khả năng nắm bắt vấn đề, khả năng phán đoán và diễn đạt ở cả ngôn ngữ nguồn (ngôn ngữ gốc) và ngôn ngữ đích để đạt được hiệu quả phiên dịch một cách tốt nhất. Trong chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, môn Phiên dịch thường được lên kế hoạch dạy học ở năm thứ ba và thứ tư. Tuy nhiên, sinh viên khi học phiên dịch song ngữ Việt – Trung thường gặp phải những lỗi sai từ cơ bản đến phức tạp. Vậy, sinh viên thường mắc những lỗi sai nào, làm thế nào để tránh những lỗi sai đó và đạt được khả năng phiên dịch tốt là vấn đề mà những người dạy môn Phiên dịch luôn quan tâm và trăn trở.

 

2. Đặc điểm của hoạt động phiên dịch

 

Phiên dịch được xem là hoạt động giải thích một cách chính xác, trôi chảy ý nghĩa của người nói cho người nghe bằng cách diễn đạt bằng lời nói. Hoạt động này yêu cầu phải có tính tức thời, công khai và tại chỗ. Vì đặc điểm của công việc phiên dịch là chỉ diễn ra một lần sau khi người nói trình bày phần nội dung phát biểu của mình, thông tin mà nó cung cấp mang tính thoáng qua, nên việc tạo ra ngôn ngữ đích cũng phải diễn ra tức thời, nhanh chóng. Do vậy, người dịch phải hoàn thành nhiệm vụ truyền tải thông tin trong một khoảng thời gian rất ngắn, gần như là cùng lúc, nên người dịch có rất ít thời gian để cân nhắc về các từ ngữ và hiểu sâu về ý nghĩa của chúng.

Thông tin ngôn ngữ gốc trong phiên dịch có tính đa dạng, các chủ đề thường rất phong phú và liên quan đến nhiều lĩnh vực giao tiếp khác nhau, vì thế, đòi hỏi người dịch phải am hiểu về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các thuật ngữ chuyên ngành của lĩnh vực mà mình phiên dịch. Komatsu Tatsuya (2021) cho rằng, trong phiên dịch, việc hiểu chính xác những gì người nói trình bày là yếu tố quan trọng nhất. “Hiểu” ở đây không chỉ là hiểu nghĩa bề mặt của ngôn từ, mà còn phải nắm bắt được “ý nghĩa” mà người nói cố gắng truyền đạt đến người nghe [2:11]. Trong nhiều trường hợp, người nói dù dự định sẽ cung cấp thông tin trong lĩnh vực này, nhưng cũng có thể tuỳ hứng đề cập đến các lĩnh vực khác, đôi lúc còn sử dụng các phương ngữ khác nhau, thậm chí giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của người nói thường xuyên thay đổi cũng là điểm mà người dịch cần nắm bắt để tiếp nhận thông tin một cách chính xác.

   Hoạt động phiên dịch có tính độc lập và khó đoán trước: So với biên dịch, phiên dịch là một công việc khó khăn hơn bởi tính độc lập và khó đoán trước của nó. Trong nhiều trường hợp, biên dịch viên có thể tự chọn nơi làm việc, tham khảo các tài liệu có liên quan, nhờ người khác tư vấn khi gặp vấn đề khó khăn, cũng có thể tạm gác những từ hoặc nội dung khó dịch lại để lựa chọn phần dễ dịch trước, phần khó dịch sau. Nhưng đối với phiên dịch viên, một khi đã nhận nhiệm vụ thì không thể tuỳ chọn nơi làm việc, dù họ có tính toán kĩ càng đến đâu cũng có thể gặp phải những tình huống khó lường, ví dụ: phiên dịch viên gặp khó khăn trong nghe hiểu, ghi nhớ, ghi chú, diễn đạt hoặc gặp các vấn đề về tâm lí, thể lực của bản thân, thiết bị làm việc bị trục trặc hoặc gặp phải các tình huống bất ngờ khác... Trong các trường hợp này, người phiên dịch cần phát huy khả năng kiểm soát tại chỗ, khả năng xử lí tình huống và nâng cao khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập [7].  

           

 

 

3. Những lỗi sai thường gặp của sinh viên khi thực hành dịch song ngữ Việt – Trung

 

Với các đặc điểm được đề cập ở trên, công việc phiên dịch đặt ra những yêu cầu cao đối với người thực hiện quá trình phiên dịch. Tuy nhiên, không phải ai khi mới thực hành hoặc bắt đầu công việc phiên dịch cũng được suôn sẻ, thuận lợi. Nhiều người vì chưa có kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành còn hạn chế hoặc gặp phải các vấn đề khó khăn không thể lường trước mà ảnh hưởng tâm lí, dẫn đến kết quả phiên dịch không đạt được như mong muốn.

Bài viết sử dụng phương pháp thống kê và quy nạp để tổng hợp các dữ liệu thu thập từ sinh viên năm thứ ba và thứ tư của Khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Duy Tân. Nguồn tài liệu trong bài viết được chúng tôi thu thập từ chương trình học môn Phiên dịch và một số tài liệu liên quan về kinh tế, chính trị, xã hội... trong và ngoài chương trình học. Từ những dữ liệu thu thập được, chúng tôi liệt kê những lỗi sai thường gặp của sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được đúc kết trong quá trình giảng dạy thực tế, được phân thành hai nhóm lớn, gồm: lỗi sai do kiến thức ngôn ngữ, và lỗi sai do kĩ năng dịch. Qua đó, phân tích và lí giải những nguyên nhân khiến sinh viên thường mắc phải, đồng thời tìm hướng khắc phục cho những lỗi sai đó.

3.1. Lỗi sai về kiến thức ngôn ngữ

        Việc nghe hiểu và nắm bắt ý chính của ngôn ngữ nguồn rất quan trọng trong quá trình phiên dịch, nhiều sinh viên khi thực hành dịch vì không hiểu nội dung ngôn ngữ nguồn, chưa thành thạo kĩ năng phiên dịch hoặc kiến thức ngôn ngữ còn hạn chế nên thường không nắm được ý chính, chỉ hiểu mơ hồ nội dung ý nghĩa nên dịch còn lúng túng, diễn đạt không rõ ràng. Do vậy, sinh viên cần luyện tập cách "hiểu chính xác những gì đã nghe và diễn đạt điều đó một cách dễ hiểu". 

Nhóm lỗi sai do kiến thức ngôn ngữ có các nhóm nhỏ như sau :

3.1.1. Không xác định đúng cấu trúc câu

Nhiều sinh viên dịch sai câu dài vì không xác định được cấu trúc câu cần dịch hoặc không xác định được thành phần trung tâm ngữ và định ngữ/trạng ngữ trong câu.

Do vị trí của định ngữ/trạng ngữ và trung tâm ngữ trong tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau, nên sinh viên thường nhầm lẫn cách sắp xếp từ ngữ và cấu trúc câu cần diễn đạt. Cụ thể là trong tiếng Trung, thành phần định ngữ/trạng ngữ thường đứng trước, trung tâm ngữ thường đứng sau, trong tiếng Việt thì ngược lại. Vì vậy, với các câu đơn, câu ngắn thì sinh viên dễ dàng có thể xác định được các thành phần này để dịch chính xác; tuy nhiên, với các câu dài, phức tạp, sinh viên cần nhanh chóng đọc hết cả câu và xác định vị trí của trung tâm ngữ để dịch trước, rồi mới dịch các nội dung còn lại. Nhưng nhiều sinh viên vẫn theo thói quen của ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc theo trật tự trước – sau của các thành phần được xuất hiện trong câu, nên dẫn đến dịch sai. Ví dụ:

a. 中外合资经营企业是指外国公司、企业和其他经济组织或个人,按照平等互利的原则,在中华人民共和国境内,同中国的公司、企业或其他经济组织共同举办的股权式合营企业 [3: 25]

(Câu dịch tham khảo là: Doanh nghiệp liên doanh đầu tư Trung Quốc - nước ngoài là doanh nghiệp hợp doanh do các công ty, xí nghiệp nước ngoài và các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân khác cùng thành lập trên lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi với các công ty, doanh nghiệp của Trung Quốc hoặc các tổ chức kinh tế khác).

 Khi dịch (a), do câu có thành phần định ngữ khá dài và phức tạp, sinh viên thường dịch theo trật tự tuyến tính mà không chú ý đến thành phần trung tâm ngữ là 股权式合营企业nằm ở cuối câu.

Câu dịch của sinh viên là: Doanh nghiệp liên doanh đầu tư Trung Quốc - nước ngoài là chỉ các công ty, xí nghiệp nước ngoài và các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân khác theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi cùng thành lập trên lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với các công ty, doanh nghiệp của Trung Quốc hoặc các tổ chức kinh tế khác cùng nhau tạo thành doanh nghiệp hợp doanh.

b. 我们中方代表对您和您的代表团在谈判中所表现出的诚意和合作态度表示钦佩和感谢,相信我们双方在此基础上继续努力,一定会有良好的合作前景 [4: 82]

(Câu dịch tham khảo: Đại diện phía Trung Quốc chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm ơn thành ý và thái độ hợp tác mà ông và đoàn đại biểu bên ông đã thể hiện trong cuộc đàm phán, tin tưởng rằng hai bên chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng và có những triển vọng hợp tác tốt đẹp trên nền tảng này).

Ở ví dụ (b), với kết cấu giới từ làm trạng ngữ khá phức tạp, sinh viên thường dịch theo trật tự tuyến tính – dịch trạng ngữ trước trung tâm ngữ, vì vậy câu dịch lủng củng, không phù hợp văn phong của tiếng Việt.

Câu dịch của sinh viên là: Đại diện phía Trung Quốc chúng tôi đối với thành ý và thái độ hợp tác mà ông và đoàn đại biểu bên ông đã thể hiện trong cuộc đàm phán bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm ơn, tin tưởng rằng hai bên chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng và có những triển vọng hợp tác tốt đẹp trên nền tảng này.

Lỗi sai này xuất hiện không chỉ trong dịch xuôi mà còn cả trong dịch ngược. Ví dụ:

c. Xin cám ơn các tổ chức và bè bạn quốc tế đã luôn dành cho Việt Nam, cho sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch của Việt Nam những tình cảm tốt đẹp và sự hợp tác, giúp đỡ quý báu [7: 215].

(Câu dịch tham khảo: 感谢国际组织和朋友们一直以来给予越南和越南文化旅游发展带来美好的感情和宝贵合作与帮助。)

Câu dịch của sinh viên là: 感谢一直以来给予越南、越南的文化和旅游进展上升、良好感情和宝贵合作与帮助的国际组织和朋友们。

3.1.2 Chưa linh hoạt trong cách dịch theo âm, hoặc nội dung dịch không phù hợp với văn hoá dùng từ của người Việt Nam

Dịch theo âm (音译) khá phổ biến trong dịch song ngữ Việt – Trung, là cách dịch các từ/chữ cái trong ngôn ngữ đích có cách phát âm tương tự với các từ trong ngôn ngữ nguồn hoặc sử dụng âm Hán Việt để dịch. Dịch âm thường được sử dụng với danh từ riêng và các sự vật không có từ tương ứng trong ngôn ngữ đích. Việc sử dụng âm để dịch không chỉ được sử dụng cho việc dịch các từ ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Trung, mà còn được dịch các từ tiếng Anh sang tiếng Trung, ví dụ: Nguyễn Văn An (阮文安), 河内市 (thành phố Hà Nội), 瑜伽 (yoga), 跆拳道 (taekwondo), vitamin (维他命), socola (巧克力)… Do lượng từ vựng vay mượn từ tiếng Trung trong tiếng Việt khá nhiều, nên cách dịch dựa trên âm Hán Việt tương đối phổ biến.

Lỗi liên quan đến khía cạnh xảy ra khi sinh viên dịch danh từ riêng một cách cứng nhắc sang ngôn ngữ đích theo âm Hán Việt, thay vì linh hoạt lấy âm đọc gần giống để thay thế, kết quả là gây phản cảm, tạo cảm giác khó chịu cho người nghe. Ví dụ: “xxx大学王倩老师,câu dịch của sinh viên là cô Vương Thiến – Giảng viên Trường Đại học xxx. Từ “” có hai âm Hán Việt là “Sảnh” và “Thiến”, trong trường hợp này, nếu sinh viên linh hoạt lựa chọn âm Hán Việt là “Sảnh”, dịch thành “Vương Sảnh” hoặc lấy từ cận âm “Vương Thiên” thì sẽ phù hợp hơn.

Ngoài ra, trong giao tiếp hàng ngày người Việt Nam thường sử dụng tên của các nhân vật trong tác phẩm văn học hoặc một nhân vật lịch sử nổi tiếng để biểu thị các tính cách, đặc điểm liên quan đến người được đề cập đó. Tuy nhiên, phạm vi sử dụng và ý nghĩa của các từ ngữ này chỉ mang tính nội bộ ở một lãnh thổ, một quốc gia nhất định. Nếu người dịch không hiểu rõ ý nghĩa của ngôn ngữ gốc mà chỉ đơn thuần dịch theo âm Hán Việt thì người nghe sẽ không hiểu được ý nghĩa người nói muốn diễn đạt là gì. Trong các trường hợp này, thay vì dịch theo âm Hán Việt thì người dịch cần linh hoạt dịch theo ý, tức là sử dụng hình thức diễn đạt khác để biểu thị cùng một ý nghĩa, thay vì cứ bám vào cấu trúc ngữ pháp và phương tiện tu từ của ngôn ngữ gốc. Lúc đó, các khái niệm, ngữ pháp, ngữ nghĩa của bản dịch ý phù hợp với quy chuẩn ngữ pháp của ngôn ngữ đích, nên dễ dàng được người nghe tiếp nhận. Ví dụ, tiếng Việt thường nói: “Hắn ta là một thằng Chí Phèo”, từ “Chí Phèo” nếu sử dụng âm Hán Việt để dịch thì hầu như người Trung Quốc sẽ không biết người mà chủ thể đang đề cập đến là ai, là người như thế nào. Vì vậy, người dịch chỉ có thể dịch thành: “他是个经常耍赖的流氓”. Tương tự với các câu “Nó bị Tào Tháo đuổi rồi” nên dịch thành “他拉肚子了”; “Vắng như chùa Bà Đanh” có thể dịch thành “门可罗雀” chứ không sử dụng âm Hán Việt để diễn đạt các tên riêng/địa danh như “Chí Phèo, Tào Tháo, Bà Đanh” sang tiếng Trung.

Việc dịch nghĩa đen trong phiên dịch song ngữ Trung - Việt có thể sử dụng bằng cách tìm từ tương ứng để thay thế. Tuy nhiên, không phải tất cả các từ có nguồn gốc tiếng Trung trong tiếng Việt đều giữ được ý nghĩa đầy đủ vốn có, tức là sau khi một số từ tiếng Trung được thâm nhập vào tiếng Việt, thì ý nghĩa của chúng có thể đã thay đổi, như mở rộng, thu hẹp hoặc chuyển nghĩa..., thậm chí còn có một số thay đổi về hình thức, bao gồm đảo ngược, tái tổ hợp và kết hợp với các từ thuần Việt. Chính vì vậy, trong một vài trường hợp, việc phiên dịch Trung - Việt, trong đó có phiên dịch âm Hán Việt, không những không mang lại sự thuận tiện cho người dịch mà còn mang đến những rủi ro nhất định. Bởi vì, việc sử dụng âm Hán Việt thiếu cân nhắc và lạm dụng âm Hán Việt có thể gây hiểu nhầm, thậm chí dẫn đến vi phạm các chuẩn mực của tiếng Việt. Ví dụ: từ “不幸” trong câu “1969年胡志明主席不幸逝世了” [7: 12] nếu được dịch cứng nhắc theo âm Hán Việt là “bất hạnh” thì không được người nghe chấp nhận, lúc này cần dịch thành "Năm 1969, chủ tịch Hồ Chí Minh không may qua đời".

Không chỉ vậy, trong đời sống hàng ngày chúng ta cũng thường xuyên gặp các từ có âm Hán Việt, có một số từ ý nghĩa thực tế và ý nghĩa tạo bởi âm Hán Việt thống nhất với nhau, như 国家 (quốc gia),报告 (báo cáo),圆满 (viên mãn),教堂 (giáo đường)… Cũng có một số từ ý nghĩa thực tế và âm Hán Việt lại hoàn toàn khác biệt, như 困难 (khó khăn), 高等学校 (chỉ tên gọi của các trường đại học, cao đẳng nói chung), đáo để (泼辣), học viên cao học (硕士研究生), thất tình (失恋)… nhiều sinh viên lại dịch thành 困难 (khốn nạn), 高等学(trường cao đẳng), đáo để (到底), học viên cao học (学员), thất tình (七情), trong khi đó từ khốn nạncó cách dịch tương ứng là “混蛋”; “trường cao đẳng” dịch là “大专院”;  到底” dịch là rốt cuộc; “学员” chỉ những người học trong các trường hoặc các khóa đào tạo không phải là các cơ sở giáo dục đại học, trung học và tiểu học; “七情” chỉ bảy trạng thái tình cảm: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (vui mừng, tức giận, đau buồn, sợ hãi, yêu thích, ghét, ham muốn).    

Có một vài trường hợp từ tiếng Trung biểu thị nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, nếu sinh viên không nắm được cách sử dụng thì rất dễ dùng sai. Ví dụ, từ “利用” (ý nghĩa: sử dụng/lợi dụng), “手段” (ý nghĩa: phương pháp, biện pháp, phương thức/thủ đoạn), các từ này trong tiếng Trung tuỳ ngữ cảnh sử dụng sẽ mang sắc thái tình cảm vừa trung tính vừa tiêu cực, như các câu: “利用周末时间复习和总结本周各科目的知识点; 男子利用他人好心诈骗”; “耍手段; 支付手” (百度)… Nhưng trong tiếng Việt, các từ “利用” và “手段” thường được sinh viên dịch theo âm Hán Việt là “lợi dụng”, “thủ đoạn” mang nghĩa xấu, nên đã dịch sai từ.  

Ngoài ra, có nhiều trường hợp âm Hán Việt có ý nghĩa đảo ngược so với trật tự tuyến tính của từ trong tiếng Trung nên sinh viên dễ sử dụng sai, ví dụ: các từ “ngoại lệ, viên chức, hướng ngoại, hướng nội, dao động,...” trong tiếng Việt được dịch sang tiếng Trung thành: 例外, 职员, 外向, 内向, 动摇, …”, nên khi dịch, nếu sinh viên bị rập khuôn cách dịch theo âm Hán Việt với trật tự từ theo thứ tự trước – sau thì sẽ diễn đạt không đúng.

3.1.3. Dịch sai từ chỉ chức vụ vì lạm dụng âm Hán Việt

Chức vụ là từ được dùng phổ biến trong nhiều văn bản chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, giáo dục… Với thuận lợi là có nhiều từ dùng âm Hán Việt để diễn đạt, sinh viên Việt Nam học tiếng Trung có thể dễ dàng vận dụng để dịch các từ ngữ chỉ chức vụ, như: 部长 (bộ trưởng),局长 (cục trưởng),校长 (hiệu trưởng),主任 (chủ nhiệm),大将 (đại tướng),发言人 (người phát ngôn)… Tuy nhiên, không phải bất kì từ ngữ chỉ chức vụ nào cũng có thể dùng âm Hán Việt để diễn đạt, một số chức vụ có nhiều từ để diễn đạt, nhiều từ phải căn cứ vào ngữ cảnh khác nhau để sử dụng, ví dụ: 总理/首相 (thủ tướng), trong trường hợp này nếu sinh viên chỉ ghi nhớ rập khuôn ý nghĩa theo âm Hán Việt là 首相 (thủ tướng) thì khi gặp từ 总理 sẽ bỡ ngỡ vì không nắm được cách dịch. Có những trường hợp âm Hán Việt chỉ đúng trong một hoặc vài ngữ cảnh nhất định, chứ không phải tất cả các trường hợp đều sử dụng giống nhau. Ví dụ, từ 主席 (chủ tịch) được sử dụng trong trường hợp chỉ nguyên thủ của một quốc gia nào đó, như “Chủ tịch Hồ Chí Minh” (胡志明主席), “Chủ tịch Mao Trạch Đông” (毛泽东主席)…, hoặc chỉ người đứng đầu một đơn vị/tổ chức nào đó, ví dụ: 协会主席 (chủ tịch hiệp hội), 工会主席 (chủ tịch công đoàn)… Trong các cụm từ “chủ tịch thành phố”, “chủ tịch tỉnh”, “chủ tịch huyện”… thì từ “chủ tịch” không thể dịch thành “主席”, mà phải dịch thành “市长”, “省长”, “县长”…

Trong một vài trường hợp, chức danh trong tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau nên sinh viên cần dựa vào đặc điểm tên gọi chức danh ở mỗi quốc gia để có cách dịch chính xác. Ví dụ: Người đứng đầu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đều dùng từ "院长" (âm Hán Việt: Viện trưởng, dịch là 最高人民检察院院长 最高人民法院院长), nhưng trong tiếng Việt, người đứng đầu hai cơ quan này được gọi là "Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao" và "Chánh án Tòa án nhân dân tối cao", nên người dịch cần chú ý cách sử dụng từ ngữ tương ứng trong hai ngôn ngữ này để tránh nhầm lẫn.

Ngoài ra, việc sử dụng âm Hán Việt đôi lúc sẽ không chính xác với ý nghĩa của ngôn ngữ gốc, ví dụ: từ “总书记” (âm Hán Việt: “tổng thư kí”, ý nghĩa: “tổng bí thư”); “秘书” (âm Hán Việt: “bí thư”, ý nghĩa: “thư kí”). Nếu sinh viên nhớ một cách máy móc ý nghĩa các từ này theo âm Hán Việt thì rất dễ dịch “tổng bí thư” thành “总秘书”, “tổng thư kí” thành “总书记”, là không đúng, mà phải dịch “tổng bí thư” là “总书记” như đã đề cập ở trên, còn “tổng thư kí” phải dịch thành “秘书长”.

3.1.4. Dịch sai con số

Dịch số, đặc biệt với những con số lớn là một trong những khó khăn của sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Theo thống kê của chúng tôi qua quá trình giảng dạy thực tế, sinh viên thường dịch sai con số trong những trường hợp sau:

a. Con số từ 11 đến 19: Bản thân từ trong tiếng Trung ngoài ý nghĩa chỉ hàng chục, còn chỉ số 10. Nhiều sinh viên chỉ quen với ý nghĩa hàng chục mà quên ý nghĩa là 10, nên vẫn diễn đạt 一十 khi chỉ số 10 là không chính xác (cách diễn đạt 一十thường được sử dụng trong công thức nhân, như: 一五得五,二五一十,三五一十五). Vì vậy, với các ví dụ 15, 19… sinh viên không thể đọc thành 一十五, 一十九, mà phải đọc là 十五, 十九.

b. Đọc sai con số khi có hàng chục là mười: Nhiều sinh viên bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ, nên với con số có hàng chục là “mười” trong tiếng Trung thì đọc không có chữ , cách đọc này không chính xác. Ví dụ: 110, 318 không thể đọc thành 一百十, 三百十八, mà phải đọc là 一百一十, 三百一十八,…

c. Theo nguyên tắc số 0 đứng trước từ chỉ đơn vị đếm thì bỏ từ chỉ đơn vị đếm đi, nhiều sinh viên bị ảnh hưởng bởi tiếng Việt nên để nguyên đơn vị đếm là không đúng. Ví dụ: 86,052 phải đọc thành 八万六千零五十二, nhưng nhiều sinh viên đọc thành八万六千零百五十二 là không chính xác.

d. Theo nguyên tắc một số mà ở giữa bất kể có mấy con số 0 cũng chỉ đọc một con số 0, nhưng nhiều sinh viên vẫn không nắm cách đọc này. Ví dụ: 526,009 phải đọc là 五十二万六千零九, nhưng nhiều sinh viên vẫn đọc thành 五十二万六千零零九 hoặc 五十二万六千零百零九 là không chính xác.

e. Sinh viên gặp khó khăn khi chuyển từ con số tiếng Việt sang cách dùng hàng vạn (), hàng ức (亿) trong tiếng Trung, và ngược lại: Nhiều sinh viên đọc sai khi chuyển con số từ tiếng Việt sang, 亿, hoặc khó khăn khi phải hình dung các con số dùng đơn vị đếm là , 亿 trong tiếng Trung sang tiếng Việt. Ví dụ: 60,000 và 154,000 nhiều sinh viên đọc thành 六十千 一百五十四千 như tiếng Việt là không đúng, mà phải đọc thành 六万十五万四千

Trên đây là những lỗi sai thường gặp về con số của sinh viên khi dịch Việt - Trung, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chính của những lỗi sai này là do sinh viên bị ảnh hưởng quá lớn bởi cách đọc con số trong tiếng Việt, mà chưa tạo thói quen hoặc thích ứng với cách chuyển đổi con số sang tiếng Trung. Vì vậy, việc nắm vững cách dịch tương đương giữa hai ngôn ngữ và luyện tập nhiều lần để phản ứng nhanh với con số là điều vô cùng cần thiết. Với sự tương quan về cách dịch con số giữa tiếng Việt và tiếng Trung, chúng tôi thống kê bảng đối sánh dưới đây:

 

nghìn tỉ

trăm tỉ

mười tỉ

tỉ

trăm triệu

mười triệu

triệu

trăm nghìn

mười nghìn

nghìn

trăm

mười

một

万亿

千亿

百亿

十亿

亿

千万

百万

十万

Bảng 1: Bảng đối sánh đơn vị đếm trong tiếng Việt và tiếng Trung

 

Trong quá trình giảng dạy tiếng Trung, giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên cách gộp bốn con số thành , tám con số thành 亿để nắm cách chuyển đổi, nhưng công việc phiên dịch đòi hỏi phải xử lí với tốc độ nhanh, nếu tính theo cách gộp như vậy sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, giảng viên còn có thể hướng dẫn sinh viên nắm vững và ghi nhớ bảng đối sánh trên để dịch con số một cách nhanh chóng và chính xác.

3.1.5. Sự khác biệt trong cách sử dụng câu vô chủ

Thông thường, người Việt Nam khi nói chuyện với nhau thường xem việc diễn đạt đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ là lịch sự, tôn trọng đối phương, trong nhiều trường hợp còn cấm kị việc sử dụng các mệnh đề không có chủ ngữ hoặc nói trống không. Ngược lại, người Trung Quốc vì muốn giản lược nội dung của cuộc đối thoại nên thường lược bỏ chủ ngữ trong câu, hoặc tỉnh lược những nội dung được cho là không cần thiết. Vì vậy, khi dịch các câu không có chủ ngữ (câu vô chủ) trong tiếng Trung, ngoại trừ một số ít có thể diễn đạt thành câu vô chủ trong tiếng Việt, còn lại hầu hết đều phải thêm chủ ngữ để ý nghĩa câu được rõ ràng và đảm bảo tính lịch sự trong giao tiếp. Ví dụ:

A: 你去哪儿?Bạn đi đâu vậy?

B: 超市。Siêu thị. (nên dịch thành “Tôi đi siêu thị”)

A: 你今年多大?Năm nay bạn bao nhiêu tuổi?

B: 20岁。20 tuổi. (nên dịch thành “Năm nay tôi 20 tuổi”)

Ở các tình huống và ngữ khí bình thường, các câu diễn đạt đơn giản, ngắn gọn như trên thường được sử dụng trong tiếng Trung, người nói và người nghe đều cảm thấy thoải mái mà không cảm thấy thiếu sự tôn trọng lẫn nhau. Nhưng khi dịch sang tiếng Việt, người dịch cần chú ý thêm chủ ngữ vào để thể hiện tính lịch sự, đảm bảo hiệu quả giao tiếp giữa hai bên.

Ngoài ra, việc sử dụng đại từ nhân xưng trong tiếng Việt rất phức tạp và thường xuyên thay đổi, trong khi đại từ nhân xưng của người Trung Quốc tương đối đơn giản, nên sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc khi luyện dịch cần chú ý thay đổi đại từ nhân xưng theo từng ngữ cảnh phù hợp. Ví dụ, nếu người nghe là phái nữ, trong tiếng Trung chỉ cần sử dụng hoặc , thì trong tiếng Việt lại có rất nhiều từ ngữ được sử dụng như “chị, em, cô, dì, bà…” tùy theo mối quan hệ hoặc tuổi tác của đối phương để lựa chọn. Nếu người dịch không chú ý thì rất dễ khiến đối phương không hài lòng, thậm chí bất mãn. Ngoài ra, trong những dịp quan trọng như đàm phán, hội nghị, phiên dịch viên cần ghi nhớ vai trò phiên dịch của mình và luôn chọn đại từ nhân xưng theo quan điểm của người nói. Trong những trường hợp khác, người dịch cần linh hoạt thay thế các đại từ nhân xưng phù hợp tùy theo tình huống hội thoại cụ thể.

3.1.6. Khó khăn trong việc xác định ý nghĩa cụm từ viết tắt trong tiếng Trung

Để thuận tiện cho việc giao tiếp, người Trung Quốc thường sử dụng rất nhiều cụm từ viết tắt, các câu dài được rút ngắn và lược bỏ thành một cấu trúc chặt chẽ và tạo thành một đơn vị ngôn ngữ có thể sử dụng tự do. Muốn dịch chính xác ý nghĩa của các cụm từ viết tắt này thì sinh viên phải hiểu rõ ý nghĩa đầy đủ của cụm từ ấy và phải diễn đạt đầy đủ ý nghĩa sang tiếng Việt. Ví dụ: 越共中央(越南共产党中央), 越南农行(越南农业与农村发展银行),北大(北京大学), 上师大(上海师范大学), 全国人大 (全国人民代表大), 中共十九(中国共产党第十九次全国人民代表大), 五一 (国际劳动五月一号),十一十月一日,是中华人民共和国的国庆节)

Trong các trường hợp trên, nếu sinh viên không nắm được ý nghĩa của từ viết tắt thì sẽ rất khó dịch đầy đủ và chính xác các cụm từ này. Đây cũng là điều mà giảng viên và sinh viên khi dạy và học môn Phiên dịch cần chú trọng.

3.1.7. Dịch sai văn phong hoặc không theo thói quen diễn đạt của ngôn ngữ đích

Trong tiếng Trung, nhiều trường hợp từ chỉ chức vụ được/bị lược bỏ sau tên riêng để giản lược nội dung giao tiếp. Khi mới bắt đầu luyện tập, sinh viên thường dịch máy móc theo từng câu chữ trong ngôn ngữ gốc mà quên rằng cần phải thay đổi từ ngữ cho phù hợp hơn với văn phong của ngôn ngữ đích. Ví dụ:     

a. 习近平在周边外交工作座谈会上的讲话(2013年,节选)[7:128]

Trong tiếng Trung, tên của các vị lãnh đạo có thể sử dụng trực tiếp mà không cần thêm từ chỉ chức vụ phía sau, nhiều sinh viên dịch câu này theo văn phong tiếng Trung là: “Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại hội nghị chuyên đề về công tác ngoại giao láng giềng” là không phù hợp, mà phải dịch đầy đủ thành “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” hoặc “Chủ tịch Tập Cận Bình”.

b. Trong các trường hợp cần diễn giải tên và chức vụ của người được đề cập, thứ tự sắp xếp trong tiếng Việt thường nói tên trước rồi đến chức vụ, nhưng trong tiếng Trung, thứ tự các nội dung này lại đảo ngược so với tiếng Việt. Nếu người dịch không am hiểu văn phong của ngôn ngữ đích thì sẽ dịch không đúng. Ví dụ:      

“Kính thưa GS.TS Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân và lãnh đạo Trường!” ([7:159]) và câu “Kính thưa PGS.TS. Trần Thị Minh Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV!([7:193]). Khi gặp các câu này, nhiều sinh viên dịch thành “尊敬的阮文南教授博士,党委书记,国民经济大学校长,校领导!” và “尊敬的副教授博士陈氏明和社科人文大学副校长”. Các cách dịch này đều không chính xác, mà nên dịch thành “尊敬的国民经济大学校长、党委书记阮文南教授” và “尊敬的人文社科大学副校长陈氏明和副教授”.

c. Khi dịch các thành phần hoặc đơn vị trực thuộc, nhiều sinh viên cũng quen với cách diễn đạt trong tiếng Việt mà không nắm cách diễn đạt trong tiếng Trung. Ví dụ: cụm từ “Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội” ([7:193]) được nhiều sinh viên dịch thành 人文社科大学 - 河内国家大学. Cách dịch này nên đổi thành(越南)河内国家大学所属人文社科大学 sẽ chính xác hơn.

d. Nhiều sinh viên khi học tiếng Trung đã dịch sai địa chỉ vì không nắm vững cách diễn đạt của ngôn ngữ đích, mà vận dụng theo cách diễn đạt của tiếng mẹ đẻ. Ví dụ: “Hội chợ sẽ được diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 04 năm 2016 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) - 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội” ([7:236]) địa chỉ trong câu được sinh viên dịch thành “148讲武, 巴亭, 河内” là không chính xác, mà phải dịch thành “河内市巴亭郡讲武路148”. Trong tiếng Việt, cụm từ chỉ địa chỉ thường được diễn đạt từ nhỏ đến lớn, có dấu phẩy, nhưng trong tiếng Trung thì ngược lại, nhiều sinh viên dịch tiếng Trung theo thói quen diễn đạt của tiếng Việt nên dễ bị sai. 

e. Trong vài trường hợp, sinh viên không nắm rõ ý nghĩa cụ thể của ngôn ngữ gốc nên sử dụng từ vựng không đúng theo văn phong của ngôn ngữ đích. Ví dụ: “Cảm ơn ông, xin cứ tự nhiên” hoặc “Mời các anh ăn tự nhiên”, nhiều sinh viên dịch thành “谢谢,请随便”; “请你们自然吃”. Các câu dịch này đều không chính xác, mà phải dịch thành “谢谢, 便!”; “请慢用!”, trong trường hợp người lớn tuổi nói với người nhỏ tuổi hoặc khi quan hệ thân thiết thì có thể nói “随便吃”.

Không chỉ vậy, việc dịch sát nghĩa từ ngữ trong ngôn ngữ nguồn đôi lúc cũng gây khó hiểu cho người nghe. Ví dụ: các cụm từ “Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội”, “Giám đốc Đại học Đà Nẵng” nếu người dịch dịch từ “giám đốc” trong tiếng Việt sang từ “经理” trong tiếng Trung thì sẽ sát với từ ngữ của ngôn ngữ nguồn, nhưng người Trung Quốc sẽ cảm thấy khó hiểu vì không phù hợp với văn phong của tiếng Trung. Lúc này, người dịch có thể linh hoạt đổi thành河内国家大学总校校长,岘港大学总校校sẽ phù hợp hơn.

f. Ngoài ra, chúng ta thường xem sự chính xác là một yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả phiên dịch, nghĩa là phiên dịch viên phải truyền đạt đầy đủ, chính xác ý nghĩa của ngôn ngữ nguồn, phản ánh trung thực ý nghĩa nội hàm và màu sắc cảm xúc của nội dung diễn đạt của người nói, không nhất thiết là ý nghĩa quy chiếu hoặc ý nghĩa ngữ pháp của nó. Ví dụ, cụm từ "/慢走!" được sử dụng khi tạm biệt hoặc "请慢用!" được sử dụng trong bàn ăn nếu dịch sang tiếng Việt có ý nghĩa tham chiếu là: "Ông đi chậm/Anh đi từ từ” hoặc “Mời anh dùng (cơm) từ từ/chậm chậm” thì rất khó hiểu, thậm chí khách sẽ hiểu nhầm rằng đối phương có ý bảo mình đi lại quá nhanh hoặc mình ăn cơm nhanh mất phép lịch sự nên bị chủ nhà nhắc nhở. Do vậy, người phiên dịch nên nắm rõ đặc trưng văn hoá và thói quen diễn đạt của từng dân tộc để sử dụng ý nghĩa diễn đạt tương ứng trong ngôn ngữ đích bằng những câu lịch sự như: "Ông về ạ", "Anh về cẩn thận", "Anh cứ ăn tự nhiên"... để tránh gây hiểu nhầm giữa hai bên.

3.2. Lỗi sai về kĩ năng dịch

3.2.1. Dịch không theo kịp tốc độ của người nói

Tốc độ được xem là một yếu tố quan trọng trong phiên dịch, yêu cầu người dịch phải có tốc độ nghe hiểu và tốc độ phản ứng nhanh. Do vậy, người dịch cần có khả năng nghe từ, chọn từ, nhanh chóng hiểu được ý thực mà người nói muốn diễn đạt, ghi chú nhanh các từ khoá, để đảm bảo tính mạch lạc và tính toàn vẹn của thông tin phát đi. Ngoài ra, người dịch còn phải hạn chế tối đa việc ngừng ngắt giữa các từ, cụm từ hoặc câu để quá trình dịch được diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng. Chúng tôi nhận thấy, hầu như tất cả sinh viên đều chưa thể đạt được yêu cầu này vì chưa có kinh nghiệm và ít cọ xát thực tế.

3.2.2. Diễn đạt không lưu loát, lủng củng, ngắc ngứ, dịch ấp úng

Lưu loát là một trong những tiêu chuẩn để kiểm tra chất lượng phiên dịch, do vậy, nội dung người dịch cung cấp phải trôi chảy, dễ hiểu, không cứng nhắc hoặc khó hiểu, và phù hợp với thói quen diễn đạt của ngôn ngữ đích. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi thường phân nhóm để sinh viên thực hành phiên dịch, đa số sinh viên đảm nhận vai “phiên dịch viên” đều diễn đạt lủng củng, ngắc ngứ, không lưu loát do chưa có kinh nghiệm nên khả năng nghe hiểu, phản ứng và tốc độ diễn đạt còn chậm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng phiên dịch. Do vậy, những người mới bắt đầu thực hành phiên dịch phải nâng cao khả năng cảm nhận ngôn ngữ trong cả cách diễn đạt bằng tiếng Trung và tiếng Việt, đồng thời luyện tập diễn đạt ngôn ngữ một cách rõ ràng, mạch lạc và súc tích.

 

4. Một số kiến nghị để nâng cao chất lượng dạy và học môn Phiên dịch

 

Wang Binhua [6:3] cho rằng: "Phiên dịch là một hoạt động vận hành ngôn ngữ tích hợp các nhiệm vụ nghe, nói, đọc, viết và dịch. Với sự trợ giúp của phiên dịch bằng miệng của phiên dịch viên, cả hai bên có thể giao tiếp chính xác, hiệu quả và thông suốt". Do vậy, sinh viên cần rèn luyện nhuần nhuyễn các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và diễn đạt một cách hợp lí trên nền tảng kiến thức ngôn ngữ chính xác. Dựa trên các tài liệu tham khảo và kinh nghiệm giảng dạy thực tế, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Phiên dịch:

4.1. Phương pháp nâng cao kĩ năng phiên dịch cho sinh viên

Nghe hiểu, ghi nhớ, ghi chú và diễn đạt là những kĩ năng rất cần thiết cho sinh viên để đạt được hiệu quả cao trong phiên dịch. Do vậy, trên lớp, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách luyện khả năng nghe hiểu thông qua cách luyện nghe chuyên sâu và luyện nghe khái quát. Nghe chuyên sâu là nghe và hiểu ý nghĩa của từng từ và câu, nghe khái quát là nghe và hiểu nội dung tổng quát của tài liệu. Việc luyện nghe này có thể thực hiện bằng việc nghe các băng, đĩa, đoạn ghi hình, ghi âm, các bản tin thời sự hoặc mời người Trung Quốc đến thực hành tại lớp… Đầu tiên, sinh viên có thể luyện nghe câu đơn trước, sau đó sử dụng ngôn ngữ đích để dịch lại nội dung của ngôn ngữ gốc. Bước thứ hai là nghe câu đơn, sau đó sử dụng ngôn ngữ gốc để thuật lại những gì đã nghe được, và sử dụng ngôn ngữ đích để dịch lại. Bước thứ ba là nghe câu đơn và tiến hành đọc đồng thời, sau khi nghe câu xong thì dịch thông tin nghe được. Ba bước này có thể đảm bảo độ chính xác của việc nghe, đồng thời cũng có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của sinh viên.

Sinh viên cũng có thể luyện tập nhìn dịch, nghĩa là vừa nhìn vào bản thảo và dịch liên tục nội dung mà mình đọc được sang ngôn ngữ đích, hoặc tay cầm nội dung dịch, vừa nghe bài phát biểu, vừa đọc bản thảo, vừa tiến hành phiên dịch. Trong thời gian đầu, sinh viên cầm bài phát biểu và tự đọc một câu hoặc một đoạn văn và dịch trực tiếp sang ngôn ngữ đích, sau khi đạt đến một trình độ nhất định thì tiến hành luyện tập giai đoạn thứ hai, sinh viên nhìn tài liệu luyện tập, trong quá trình đọc nội dung thì nói một cách mạch lạc và to rõ nội dung dịch, nhìn đến đâu nói đến đó, không được dừng lại hoặc ngập ngừng quá lâu ở một nội dung nào đó. Trong giai đoạn thứ hai mới tiến hành cầm bản thảo bài phát biểu, vừa nghe nội dung phát biểu, vừa nhìn văn bản gốc, vừa tiến hành dịch.

Ngoài ra, sinh viên cần thực hiện ghi nhớ theo dạng hiểu và ghi nhớ theo ý nghĩa, chọn lọc các từ khoá quan trọng của bài nói. Sau khi nghe xong cần nắm rõ ý nghĩa của ngôn ngữ nguồn rồi mới tiến hành phiên dịch. Trong quá trình phiên dịch, sinh viên cần tiến hành phân tích và tích hợp ý nghĩa của ngôn ngữ gốc, đồng thời phân tích một cách có ý thức suy nghĩ của người nói, để thiết lập mối liên hệ giữa các ý nghĩa khác nhau, như vậy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc phiên dịch.

Trong quá trình phiên dịch, sinh viên cần luyện tập sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ là các ghi chú, bao gồm ghi chú các ký hiệu ngôn ngữ ngắn gọn và đơn giản nhất để ghi lại các thông tin chính của ngôn ngữ gốc, hỗ trợ cho quá trình phiên dịch.

Một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định tính hiệu quả của phiên dịch là việc diễn đạt trong phiên dịch. Muốn đạt được hiệu quả cao trong quá trình diễn đạt, giọng nói của người phiên dịch phải rõ ràng, phát âm phải chuẩn xác. Việc phát âm ở đây bao gồm cách phát âm, âm lượng, tốc độ nói… Nếu người dịch phát âm không chuẩn, không rõ ràng, sẽ dễ gây nhầm lẫn, thậm chí hiểu nhầm giữa hai bên. Sinh viên có thể luyện phát âm thông qua việc đọc diễn cảm, diễn thuyết và đọc các bài vè... đồng thời tìm ra những vấn đề của bản thân như phát âm ngọng nghịu, phát âm không rõ ràng, sử dụng từ địa phương… để kịp thời sửa chữa. Giọng nói của người phiên dịch cũng phải rõ ràng và đủ to để tất cả mọi người có mặt đều nghe thấy, vì vậy, giảng viên đứng lớp cần yêu cầu sinh viên luyện giọng thông qua việc luyện đọc diễn cảm, to rõ nhiều lần.

Tốc độ và nhịp điệu nói cần hợp lí, vừa phải, không quá nhanh hoặc không quá chậm. Quá nhanh khiến người khác không thể nghe thấy, quá chậm không chỉ khiến người dịch trì hoãn các thông tin cần dịch, mà còn khiến thời gian phiên dịch kéo dài. Vì vậy, sinh viên cần luyện tập phân đoạn câu hợp lí khi diễn đạt. Sự ngừng ngắt hợp lí có thể giúp người nghe hiểu rõ hơn, nắm bắt được ý của người nói và lắng nghe một cách chủ động, vì vậy người phiên dịch cần chú ý đến sự thay đổi nhịp điệu và ngắt nghỉ hợp lí khi nói bình thường và khi phiên dịch, bằng cách luyện tập đọc to, diễn cảm và luyện dịch một cách lưu loát. Ngoài kiến thức ngôn ngữ vững chắc, phiên dịch viên còn phải có khả năng diễn đạt bằng miệng mạnh mẽ. Wei Changfu [7:77] cho rằng, tốc độ của người nói là 150 từ/phút. Để theo kịp người nói, tốc độ nói của người phiên dịch đồng thời thường phải đạt khoảng 250 từ/phút và tốc độ nói của phiên dịch viên khi dịch tiếp đoạn thường phải đạt 200 từ/phút. Vì vậy, người phiên dịch phải dịch “rành rọt, mạch lạc”, đồng thời ngôn từ phải có trật tự, đủ ý, từ ngữ rõ ràng, phát âm và ngữ điệu trôi chảy, giọng nói nhẹ nhàng, lưu loát.

Trong quá trình rèn luyện kĩ năng phiên dịch, sinh viên cần nâng cao khả năng cảm nhận ngôn ngữ, thành thạo cả ngôn ngữ gốc, ngôn ngữ đích và diễn đạt một cách tự nhiên, lưu loát trong cả hai cách dịch xuôi và dịch ngược.

4.2. Nâng cao kiến thức ngôn ngữ

Với những lỗi sai về kiến thức ngôn ngữ đã liệt kê và phân tích ở trên, như: dịch sai câu dài, xác định sai thành phần định ngữ/trạng ngữ và trung tâm ngữ, lỗi sai khi dịch theo âm, dịch sai con số, sai văn phong ngôn ngữ đích…, chúng tôi nhận thấy đó là những điểm sai thường gặp của sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Nguyên nhân cơ bản là sinh viên bị ảnh hưởng quá lớn bởi tiếng mẹ đẻ. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần chỉ rõ cho sinh viên thấy điểm giống và khác nhau cơ bản trong cách diễn đạt giữa tiếng Trung và tiếng Việt, luyện tập thường xuyên các cách dịch xuôi và dịch ngược, từ đó sinh viên sẽ ghi nhớ sâu hơn và dễ dàng khắc phục được các điểm sai đó. Giảng viên cũng cần cho sinh viên thực hành tại lớp thường xuyên để làm quen với cảm giác dịch trước đám đông, tạo phản ứng nhanh nhạy với nội dung nghe được và tiến hành dịch lưu loát. Sinh viên cũng cần thường xuyên đọc nhiều sách báo để tích lũy vốn kiến thức ngôn ngữ bằng cách đọc những cuốn sách, tạp chí định kì và những tờ báo nổi tiếng thế giới, cũng có thể sử dụng internet để đọc các trang web tiếng Trung và tiếng Việt, qua đó tăng lượng từ vựng và nâng cao khả năng diễn đạt ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, nhà trường và giảng viên cũng cần nghiên cứu để giảng dạy môn Phiên dịch như một ngành nghề chuyên nghiệp, chứ không chỉ rèn luyện các kĩ năng phiên dịch như hiện nay. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy để sinh viên có thể nâng cao kĩ năng thực hành phiên dịch thực tế, như cho sinh viên làm nhóm, làm theo dự án, thực hành luyện dịch trực tiếp tại lớp, cho sinh viên xem các video và tiến hành dịch đuổi, sau đó nâng cao trình độ thành dịch đồng thời, cho sinh viên thực hành dịch cho người nước ngoài…, đồng thời xây dựng chương trình đào tạo hợp lí, phù hợp với trình độ của người học, linh hoạt áp dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá để tối ưu hoá việc luyện tập dịch thực tế cho sinh viên.  

 

5. Kết luận

 

Do đặc điểm của công việc phiên dịch đòi hỏi phải được tiến hành một cách nhanh chóng, kịp thời, yêu cầu người dịch phải hiểu chính xác ý nghĩa của ngôn ngữ gốc, tránh dịch ấp úng, ngập ngừng, cứng nhắc, do vậy, việc vận dụng các kĩ năng như nghe hiểu, ghi nhớ, ghi chú, diễn đạt của người dịch phải được diễn ra một cách nhanh chóng, tức thời. Điều này gây không ít áp lực và khó khăn cho người mới bắt đầu công việc phiên dịch, đặc biệt là những người đang trong quá trình luyện tập là sinh viên. Do vậy, sinh viên cần nắm được các đặc điểm của môn học Phiên dịch cũng như những yêu cầu về kĩ năng dịch và kiến thức ngôn ngữ để chuẩn bị tâm lí hoàn thành công việc phiên dịch một cách tốt nhất.

Ngoài ra, phiên dịch là một hoạt động ngôn ngữ giao thoa giữa các nền văn hóa. Ngoài việc quan tâm đến thông tin để chuyển đổi nội dung ngôn ngữ, các vấn đề về văn hóa cũng cần được người dịch chú ý trong cách diễn đạt khẩu ngữ. Dù Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng trong cách diễn đạt ngôn ngữ và thói quen văn hoá, nhưng vẫn tồn tại không ít điểm khác biệt, vì vậy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc ngoài việc chú ý đến những điểm tương đồng, còn phải chú ý đến những điểm khác biệt để tránh bị ảnh hưởng không tốt đến giao tiếp và đạt được hiệu quả phiên dịch một cách tốt nhất.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

[1] Quang Hùng, Đậu Văn Quyền, Đậu Hoài Nam (2001). Luyện kĩ năng dịch tiếng Hoa kinh tế tài chính - thương mại (Hoa – Anh - Việt). NXB Thanh Hóa.

[2] Komatsu Tatsuya, Trần Thị Mỹ dịch (2021). Kĩ năng phiên dịch. NXB Thanh niên.

[3] Lưu Hớn Vũ (2017). Bàn về giảng dạy Biên – Phiên dịch cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Tạp chí Khoa học Yersin. tr.63-67.

[4] 梁镛,王庆云(2006. 经贸汉语 (中级). 北京语言文化大学出版社.

[5] 刘和平(2005. 口译理论与教学. 中国对外翻译出版公司.

[6] 王斌华(2006. 口译理论, 技巧, 实践. 武汉大学出版社.

[7] 韦长福等2015. 汉越口译理论与实践. 重庆大学出版社.

[8] 朱小雪,(德)高立希,刘学慧,王京平编著(2010. 翻译理论与实践:功能翻译学的口笔译教学论. 北京大学出版社.

[9] 仲伟合等(2018. 基础口译. 外语教学与研究出版社.

[10] https://www.baidu.com/
 

[1]Corresponding Author: Thuy Lien Dang; Institute of Research and Development, Duy Tan University, Da Nang, 550000, Vietnam; Faculty of Chinese Language, Duy Tan University, Da Nang, 550000, Vietnam; Phuoc Tam Nguyen; Faculty of Foreign Languages, Tra Vinh University, Tra Vinh, 940000, Vietnam

Email: dangthuylien@dtu.edu.vn; npt306@hotmail.com