A. PHẦN MỞ ĐẦU
Với bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập như hiện nay, ngày càng nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, mang lại rất nhiều cơ hội việc làm, thế nên việc học ngoại ngữ đã và đang trở thành một xu hướng.
Trung Quốc với bề dày lịch sử lâu đời, trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, hiện nay Trung Quốc có nền kinh tế phát triển nhanh như vũ bão, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chọn Việt Nam làm nơi để mở rộng đầu tư. Vì vậy, tại Việt Nam tiếng Trung được rất nhiều trường đại học, các cơ sở giáo dục đưa vào giảng dạy, đồng thời trở thành môn ngoại ngữ “hot” nhất những năm gần đây. Tuy nhiên, tiếng Trung được xếp vào danh sách những ngôn ngữ khó học nhất thế giới, thế nên, muốn thành thạo ngôn ngữ này không phải là việc của một sớm một chiều. Bên cạnh những khó khăn từ phát âm, từ vựng, chữ Hán thì hầu như người học nào cũng sẽ gặp khó khăn với ngữ pháp tiếng Trung, vì có một số điểm ngữ pháp tiếng Trung không chỉ phức tạp mà còn ngược so với tiếng Việt.
Trong quá trình học tập tiếng Trung, chúng tôi nhận thấy bổ ngữ là một thành phần câu có tần suất sử dụng cao. Bổ ngữ trong tiếng Trung có nhiều loại và vô cùng đa dạng. Mặc dù đã được học kiến thức cơ bản về bổ ngữ, có khoảng thời gian luyện tập, thực hành, nhưng nhiều sinh viên vẫn mắc lỗi khi sử dụng bổ ngữ trong tiếng Trung. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng việc tìm hiểu, phân tích lỗi sai, tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp hợp lí có ý nghĩa rất lớn đối với người học tiếng Trung. Thế nên, nhóm chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu khoa học: “Phân tích lỗi sai khi sử dụng thành phần bổ ngữ của sinh viên năm 3 khóa K26 Khoa tiếng Trung, Trường Đại học Duy Tân”.
Tìm ra lỗi sai của sinh viên năm ba khóa K26 khoa tiếng Trung, Trường Đại học Duy Tân khi sử dụng bổ ngữ trong tiếng Trung. Đồng thời, đề xuất các giải pháp khắc phục lỗi sai. Ngoài ra, chúng tôi còn đề ra một số kiến nghị đối với việc dạy và học ngữ pháp tiếng Trung tại khoa tiếng Trung, Trường Đại học Duy Tân.
Trong bài nghiên cứu này, vì thời gian và kiến thức có hạn nên chúng tôi chỉ tập trung phân tích lỗi sai của sinh viên khi sử dụng năm loại bổ ngữ thường gặp, đó là: bổ ngữ kết quả, bổ ngữ mức độ, bổ ngữ xu hướng, bổ ngữ khả năng và bổ ngữ trạng thái.
Chúng tôi chọn đối tượng nghiên cứu là sinh viên K26 vì các bạn đã là sinh viên năm 3, đã học các học phần ngữ pháp Hán ngữ hiện đại 1 và 2, như vậy các bạn đã có một lượng kiến thức ngữ pháp nhất định. Thông qua khảo sát, phân tích để tìm ra lỗi sai, nguyên nhân dẫn đến các lỗi sai khi sử dụng bổ ngữ trong tiếng Trung. Mặt khác, đề xuất biện pháp khắc phục lỗi sai, giới thiệu những trang web chất lượng nhằm nâng cao khả năng sử dụng thành phần bổ ngữ. Hơn nữa, đưa ra một số đề nghị đối với việc dạy và học ngữ pháp tiếng Trung tại nhà trường.
Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rằng các đề tài nghiên cứu về bổ ngữ, cũng như các lỗi sai khi sử dụng bổ ngữ tiếng Trung ở trong nước và ngoài nước đều tương đối nhiều. Với tình hình nghiên cứu trong nước, chúng tôi tìm được hai bài nghiên cứu tương đối tiêu biểu về bổ ngữ trong tiếng Trung, đó là “Những lỗi sai thường gặp của sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2 trong việc sử dụng bổ ngữ kết quả” của TS. Trần Linh Chi được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội năm 2015 và “Khảo sát tình hình sử dụng bổ ngữ chỉ hoàn thành kết thúc tiếng Hán của sinh viên Việt Nam” của TS. Vũ Thị Hà được Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội xuất bản năm 2015. Với tình hình nghiên cứu ngoài nước, chúng tôi cũng đã tìm được hai bài nghiên cứu tương đối rõ nét là “中高级留学生状态补语习得研究”, luận văn thạc sĩ Trường Đại học Hạ Môn của 张文英 năm 2013;“外国留学生使用汉语程度补语的情况研究”,Đại học Tế Nam của 蔡丽 năm 2017;“韩国留学生趋向补语习得偏误分析”được đăng trên tạp chí Sinogram Culture của 刘欣钰 năm 2021 và luận văn thạc sĩ “留学生习得可能补语偏误分析”, Đại học Hắc Long Giang của 张佳慧 năm 2016. Ở những bài nghiên cứu trên đều đã tiến hành nghiên cứu, phân tích và khái quát được rõ nét tình hình sử dụng bổ ngữ của người học tiếng Trung, chỉ ra một số lỗi sai thường gặp của người học. Tuy nhiên, phần đề xuất các giải pháp khắc phục vẫn còn chung chung, mang tính trừu tượng, khó áp dụng cho sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Khoa tiếng Trung, Trường Đại học Duy Tân nói riêng. Dựa vào những nghiên cứu đi trước, chúng tôi đi sâu hơn vào việc phân tích các lỗi sai, chỉ ra nguyên nhân, từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục cụ thể và hợp lí, phù hợp với sinh viên khoa tiếng Trung, trường Đại học Duy Tân hơn.
Xuyên suốt đề tài nghiên cứu, chúng tôi sử dụng các phương pháp quy nạp, diễn dịch, khảo sát thống kê, phân tích số liệu và tổng hợp số liệu. Từ những khảo sát thực tế như phân tích bài viết của sinh viên và trả lời các câu hỏi khảo sát liên quan đến 5 loại bổ ngữ thường gặp để tìm ra lỗi sai, phân tích tìm ra nguyên nhân, từ đó đề xuất biện pháp khắc phục và một số kiến nghị đối với giảng viên khi giảng dạy và sinh viên khi học tập bổ ngữ tiếng Trung.
+ Chương 1. Cơ sở lý luận
+ Chương 2. Phân tích thực trạng lỗi sai khi sử dụng 5 loại bổ ngữ thường gặp trong tiếng Trung của sinh viên năm 3 khóa K26, Khoa tiếng Trung, Trường Đại học Duy Tân
+ Chương 3. Nguyên nhân, cách khắc phục và một số đề xuất
“Bổ ngữ là thành phần thường đứng sau động từ hoặc tính từ, có tác dụng bổ sung, nói rõ cho động từ. Bổ ngữ có thể bổ sung, nói rõ kết quả, xu hướng, khả năng, mức độ, tình trạng, số lượng, nơi chốn,… của sự thay đổi của động tác hoặc trạng thái. Về mặt thời gian, bổ ngữ thường được dùng để biểu thị sự hoàn thành và sự thay đổi của một động tác hoặc trạng thái.” [1]
Hình thức: Khảo sát online bằng cách trả lời phiếu câu hỏi khảo sát liên quan đến các kiến thức về năm loại bổ ngữ thường gặp.
Đối tượng: sinh viên năm ba khóa K26
Số lượng câu hỏi: gồm 38 câu hỏi
Số lượng phiếu: 200 phiếu
Hình thức: Khảo sát bài văn viết
Đối tượng: Sinh viên năm ba (K26)
Số lượng bài viết: 60 bài
Nội dung bài viết: Bài Kiểm tra giữa kì môn Viết (tiếng Trung) 3
2.3. Kết quả khảo sát và nhận xét
Sau khi tổng hợp và phân tích số liệu từ hai hình thức khảo sát trên, chúng em rút ra được những lỗi sai mà các bạn sinh viên thường mắc phải khi sử dụng bổ ngữ tiếng Trung gồm có:
Lỗi sai thứ nhất là các bạn thường xác định sai vị trí của phó từ chỉ sự phủ định 不 và 没.
Lỗi sai thứ hai, khi câu văn biểu thị sự giả thuyết thì theo thói quen các bạn thường có khuynh hướng sử dụng từ 没 , thay vì đúng là phải dùng 不 .
Lỗi sai thứ ba đó là khi trong cùng một câu văn vừa có động từ ly hợp vừa có thành phần bổ ngữ, thì đa số các bạn sinh viên đều đặt sai vị trí của bổ ngữ. Ví dụ trong câu sau 同学们都照相完了, câu này là một câu sai, vì 照相 là một động từ ly hợp, trong đó照 là động từ và 相 là danh từ. Thế nên khi kết hợp với bổ ngữ kết quả 完, thì từ完 phải được đặt ngay sau động từ照 và phía trước danh từ 相.
Lỗi sai thứ tư là đa phần khi sử dụng bổ ngữ trạng thái, các bạn đều viên đều quên thêm trợ từ “得”.
Lỗi sai thứ năm đó là có rất nhiều bạn sinh viên nhầm lẫn giữa bổ ngữ mức độ và bổ ngữ trạng thái. Ví dụ câu văn sau 这篇文章写得很好, đây là một câu văn sử dụng bổ ngữ trạng thái nhằm biểu thị sự đánh giá bài văn này viết rất hay, mà đánh giá một trạng thái hay tình huống nào đó là chức năng biểu thị của bổ ngữ trạng thái, không phải của bổ ngữ mức độ.
Qua kết quả khảo sát, phân tích và đánh giá cũng như dựa trên tìm hiểu thực tế trong quá trình học tập, chúng tôi rút ra được những nguyên nhân dẫn đến lỗi sai trong việc sử dụng bổ ngữ trong Tiếng Trung của sinh viên năm 3 K26 như sau:
Ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ: do sinh viên khi bắt đầu học tiếng Trung thì đã có một nền tảng tiếng Việt vững vàng và thành thạo, nên khi học tiếng Trung sinh viên thường mang theo những thói quen sử dụng tiếng Việt để áp dụng vào việc học tiếng Trung. Tuy nhiên, tiếng Trung có những quy tắc cấu tạo câu và cách sử dụng ngôn ngữ khác biệt với tiếng Việt, nên dẫn đến việc sinh viên thường mắc lỗi sai này trong quá trình học.
Chưa nắm vững đặc điểm ngữ pháp (từ loại, sự thay đổi về nghĩa) đặc thù của tiếng Trung: trong tiếng Trung có 1 động từ rất đặc biệt, đó là động từ ly hợp (cấu tạo của động từ gồm 2 ngữ tố, hình thức: V-O). Cách sử dụng động từ ly hợp vừa mới lạ vừa khác biệt hơn các động từ thông thường khác nên dễ dẫn đến mắc lỗi sai. Hay một số động từ khi làm bổ ngữ kết quả thì ý nghĩa của từ vựng đó thay đổi, khác hẳn so với nghĩa gốc ban đầu, nếu sinh viên không chú tâm cũng dễ dẫn đến sai sót khi đặt câu hoặc dịch nghĩa.
Cách biên soạn giáo trình: Giáo trình là một tài liệu vô cùng quan trọng trong việc dạy và học tiếng Trung. Giáo trình phần giải thích chưa cụ thể, cặn kẽ. Ngoài ra, hệ thống bài tập còn đơn điệu và khô khan, dễ gây nhàm chán cho sinh viên trong quá trình học tập. Hiện nay, giáo trình giảng dạy môn “Ngữ pháp Hán ngữ hiện đại 1” mà Khoa tiếng Trung, Đại học Duy Tân đang sử dụng chỉ có phần tiếng Trung, không có phần dịch tiếng Việt, điều này gây nhiều khó khăn cho các bạn sinh viên trong quá trình học tập, đặc biệt là khi học đến thành phần bổ ngữ.
Phương pháp giảng dạy: Bổ ngữ là một kiến thức ngữ pháp khó trong tiếng Trung, tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy giáo viên thường dạy theo các phương pháp truyền thống (chú trọng giảng giải), không mở rộng, so sánh sự khác nhau giữa các loại bổ ngữ, ít tạo cơ hội để sinh viên được luyện tập, tương tác nên thường gây ra các lỗi sai này.
Giảng viên cần tạo nhiều cơ hội cho sinh viên được đặt câu với mỗi loại bổ ngữ khi học ngữ pháp tại lớp.
Giảng viên cần chú ý chỉ ra lỗi sai và hướng dẫn cách sửa sai cho sinh viên.
Cung cấp các tài liệu ngữ pháp, các bài tập bổ trợ phù hợp với trình độ của sinh viên.
Khi giảng dạy, giảng viên cần phải có sự tương tác, trao đổi với sinh viên để kịp thời phát hiện và điều chỉnh lỗi sai.
Giảng viên cần trình bày rõ ràng, so sánh cụ thể sự giống và khác nhau giữa các loại bổ ngữ cho sinh viên.
Khi dạy đến chủ điểm ngữ pháp này, giảng viên nên sử dụng hai màu mực để làm nổi bật đâu là thành phần bổ ngữ để sinh viên chú ý hơn.
Khi học bổ ngữ, giảng viên nên tiến hành đối chiếu điểm khác biệt về ngữ pháp của tiếng Trung và tiếng Việt giúp sinh viên tránh lỗi sai.
Đọc và chuẩn bị bài trước khi lên lớp.
Khi lên lớp cần phải chú ý lắng nghe và thật sự tập trung để nắm chắc toàn bộ lý thuyết cơ bản của từng loại bổ ngữ.
Thường xuyên luyện tập vận dụng thành phần bổ ngữ đã học vào thực tế học tập, giao tiếp.
Cần có sự quyết tâm, đam mê học hỏi khi học ngữ pháp tiếng Trung (tìm và làm thêm các bài tập về bổ ngữ ở bên ngoài giáo trình đang học)
Chủ động và tích cực nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ khi gặp khó khăn trong quá trình học bổ ngữ .
Luyện tập thật nhiều, chăm chỉ và thường xuyên làm bài tập của từng loại bổ ngữ.
Tự tìm ra phương pháp học ngữ pháp hiệu quả và phù hợp nhất đối với bản thân mình.
3.3 Phương pháp luyện tập
* Mỗi ngày dành ra ít nhất 30 phút để luyện tập
Bước 1: Ôn lại lý thuyết cơ bản của từng loại bổ ngữ
Bước 2: Làm bài tập tương ứng với từng loại bổ ngữ mà không tham khảo đáp án
Bước 3: Sau khi làm xong, sử dụng phần đáp án của giáo trình để kiểm tra tính đúng sai. Nếu sai, sử dụng bút highlight làm nổi bật câu sai và sửa lại cho đúng.
Bước 4: Tổng hợp và đánh dấu các câu sai chủ yếu thuộc loại bổ ngữ nào để tang cường làm them bài tập của loại bổ ngữ đó.
Lưu ý
- Khi ôn tập lý thuyết nên sử dụng giáo trình dùng để giảng dạy môn Ngữ pháp Hán ngữ hiện đại.
- Làm bài tập theo mức độ từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với trình độ của mình.
- Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, sinh viên rất dễ dàng để luyện tập thêm về bổ ngữ nhờ vào sự hỗ trợ của các ứng dụng, phần mềm. Để trau dồi thêm vốn kiến thức bổ ngữ, sinh viên có thể tự tìm kiếm bài tập những ứng dụng học tiếng Trung như: SuperTest, 百度汉语,……
SuperTest: là ứng dụng luyện thi HSK online:
Ưu điểm: Giao diện thông minh, dễ sử dụng; Có test đầu vào để phân chia theo từng cấp độ HSK, giúp người học dễ dàng luyện tập; Có chức năng “Các câu trả lời sai” giúp người học thuận tiện trong việc tra cứu và khắc phục lỗi sai. Vì là một app luyện thi HSK nên trong quá trình làm đề luyện tập trên app, sinh viên có thể bắt gặp những câu hỏi có liên quan đến bổ ngữ trong mỗi đề thi, từ đó sinh viên cũng có thể luyện tập thành phần bổ ngữ sát với thực tế đề thi HSK nhất.
Hạn chế: Bị giới hạn bài học và phải trả phí để thực hiện các chức năng nâng cao. Không phải đề thi nào cũng có nhiều câu hỏi liên quan đến thành phần bổ ngữ.
百度汉语: là ứng dụng tra cứu từ vựng Trung-Trung:
Ưu điểm: Mỗi từ vựng có rất nhiều ví dụ, giúp sinh viên mở rộng thêm vốn từ và nắm vững từng ý nghĩa của mỗi từ vựng. Với mỗi một từ vựng app đưa ra rất nhiều câu ví dụ, sinh viên có thể chọn lọc những ví dụ có sử dụng thành phần bổ ngữ, ghi chép lại và tự phân tích câu ví dụ đó đã sử dụng bổ ngữ nào, có ý nghĩa gì; để phục vụ cho mục đích học tập thành phần bổ ngữ của mình. Có nhiều cấp độ từ vựng tương ứng với trình độ của sinh viên; Có chức năng tra cứu thành ngữ, thơ văn.
Hạn chế: Vì là ứng dụng của Trung Quốc nên giao diện cũng như phần giải thích hoàn toàn bằng tiếng Trung nên sẽ gây khó khăn cho các bạn có trình độ tiếng Trung không cao.
Qua một thời gian nghiên cứu, bằng việc tiếp xúc với thực tế, đi sâu vào phân tích, tìm hiểu những lỗi sai trong việc sử dụng bổ ngữ của các bạn sinh viên năm 3 K26 khoa Tiếng Trung thì đại đa số các bạn đều gặp trở ngại trong việc học ngữ pháp và mắc lỗi sai về 5 loại bổ ngữ thường gặp nhất là bổ ngữ kết quả, bổ ngữ xu hướng, bổ ngữ khả năng, bổ ngữ trình độ và bổ ngữ trạng thái.
Thông qua việc khảo sát về tình hình học tập, các câu hỏi lý thuyết và thực hành, chúng tôi nhận thấy một thực trạng phổ biến hiện nay là chỉ có một số ít bạn sinh viên có ý thức học tập tốt, chịu khó nắm vững lý thuyết cơ bản, làm thêm các bài tập bổ sung nên phần bổ ngữ nắm khá chắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều bạn chưa nắm vững các lý thuyết cơ bản của bổ ngữ, không chú ý đến một số cách dùng đặc biệt, hay nhầm lẫn và không phân biệt được bổ ngữ trạng thái với bổ ngữ mức độ.
Nguyên nhân của những lỗi sai này là do:
Chưa nắm vững các lý thuyết cơ bản của từng loại bổ ngữ (Công thức; Từ ngữ đảm nhận; Vị trí bổ ngữ; Ý nghĩa biểu đạt)
Ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ.
Thời gian tiếp xúc với tiếng Trung còn ngắn, chưa có ngữ cảm đối với ngôn ngữ mới này.
Chưa hiểu rõ của các kiến thức ngữ pháp đặc thù của tiếng Trung, nhiều cấu trúc ngữ pháp mới lạ, khác biệt của tiếng Trung gây khó khăn cho sinh viên khi mới học.
Giáo trình biên soạn chưa giải thích kỹ, thiếu sự đa dạng trong bài tập bổ trợ.
Phương pháp giảng dạy của giảng viên còn theo lối truyền thống, khô khan, nhàm chán.
Sinh viên chưa tích cực, chủ động tìm tòi học hỏi.
Để giúp các bạn sinh viên khắc phục được những lỗi sai thường gặp này, chúng tôi đã đưa ra một số biện pháp khắc phục như sau:
Các bạn sinh viên cần nắm vững lý thuyết cơ bản của 5 loại bổ ngữ thường gặp.
Thường xuyên sử dụng bổ ngữ khi học nói, đặt câu ví dụ, khi viết.
Mỗi ngày đều dành ít nhất ba mươi phút để làm bài tập củng cố kiến thức và nâng cao trình độ sử dụng bổ ngữ.
Tìm và luyện tập các bài tập liên quan đến bổ ngữ thông qua các app học tiếng Trung phổ biến như: SuperTest, 百度汉语, hoặc những giáo trình ngữ pháp luyện thi HSK nổi tiếng,…
Đối với người học tiếng Trung thì bổ ngữ là một trong những phần kiến thức quan trọng nhất, nhưng cũng gây khó khăn cho người học nhất. Để học tốt bổ ngữ, chúng ta cần phải có một phương pháp học tập đúng đắn. Thông qua những kết quả khảo sát thực tế cho thấy, các bạn sinh viên đã nắm bắt được phần nào lý thuyết của 5 loại bổ ngữ thường gặp, song vẫn mắc phải một số lỗi sai khi vận dụng các loại bổ ngữ này. Dựa trên những hiểu biết và kiến thức đã được học, cùng với sự giúp đỡ tận tình của giảng viên Phạm Thị Minh Hằng, chúng tôi đã tiếp thu thêm được nhiều kiến thức thực tế. Hơn hết, chúng tôi đã tìm hiểu được nguyên nhân dẫn đến các lỗi sai trong việc sử dụng 5 loại bổ ngữ thường gặp trong tiếng Trung, từ đó nhóm chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp nhằm giúp cho các bạn sinh viên năm 3 khóa K26 khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Duy Tân nói riêng và các bạn học có niềm yêu thích đối với việc học tiếng Trung nói chung có thể hiểu rõ hơn và sử dụng chính xác hơn 5 loại bổ ngữ thường gặp trong tiếng Trung.
Chúng tôi hy vọng với những giải pháp mà nhóm chúng tôi đã đưa ra trong bài nghiên cứu lần này có thể góp một phần nhỏ công sức của mình nhằm giúp đỡ các bạn sinh viên khắc phục được những lỗi sai trong việc sử dụng 5 loại bổ ngữ thường gặp và vận dụng vào việc sử dụng tiếng Trung trong học tập và giao tiếp. Chúng tôi tin rằng, nếu các bạn kiên trì học tập và rèn luyện thì nhất định các bạn sẽ thành công trong việc chinh phục tiếng Trung – một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới, vì chúng tôi cũng đã thành công khi cố gắng áp dụng những giải pháp được nêu trên.
Vì thời gian thực hiện nghiên cứu đề tài có giới hạn, nên trong 7 loại bổ ngữ thường gặp nhất chúng tôi chỉ chọn nghiên cứu 5 loại là: bổ ngữ kết quả, bổ ngữ xu hướng, bổ ngữ mức độ, bổ ngữ khả năng và bổ ngữ trạng thái. Thế nên, trong bài nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi dự định dựa trên những kiến thức cơ bản có trong bài nghiên cứu này để tìm hiểu, phân tích sâu hơn về ý nghĩa mở rộng của một số bổ ngữ kết quả.
[1] 卢福波(2011),对外汉语教学实用语法,北京,北京语言大学出版社.
[2] 张婧 (2008), HSK语法精讲精练, 北京,华语教学出版社.
[3] 王墨妍 (2015), 新HSK语法精讲精练5级,北京,北京语言大学出版社.
[4] 张文英(2013),中高级留学生状态补语习得研究,厦门大学的硕士论文,01-13.
[5] 蔡丽(2017),外国留学生使用汉语程度补语的情况研究,暨南大学,60-63.
[6] Trần Linh Chi (2015), Những lỗi sai thường gặp của sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội 2 trong việc sử dụng bổ ngữ kết quả, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội số 34, tr.74-82.
[7] Vũ Thị Hà (2015), Khảo sát tình hình sử dụng bổ ngữ chỉ hoàn thành kết thúc tiếng Hán của học sinh Việt Nam, Tạp chí Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.01-08.
[8] 60 bài viết của sinh viên năm ba khóa K26 trường Đại học Duy Tân do Giảng viên Phạm Thị Minh Hằng cung cấp.
[9] Link https://www.youtube.com/watch?v=tzXD21lZEzU&t=77s
[10] Link https://www.youtube.com/watch?v=H77BAtYkw2Y
[11]Các ứng dụng học tiếng Trung online: SuperTest, 百度汉语,……