star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

PHÂN TÍCH NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ ĐỀ XUẤT HƯỚNG KHẮC PHỤC TRONG VIỆC SỬ DỤNG NGÔN NGỮ VIẾT TIẾNG TRUNG CỦA SINH VIÊN K26, KHOA TIẾNG TRUNG, ĐẠI HỌC DUY TÂN


Tóm tắt

Ngôn ngữ Viết là một phần không thể thiếu trong tiếng Trung. Trong quá trình học tập tiếng Trung tại Đại học, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng có rất nhiều sinh viên đang có sự nhầm lẫn nghiêm trọng cũng như hầu như không ý thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ Viết và ngôn ngữ Nói. Thông qua phân tích, bài nghiên cứu này sẽ làm rõ tầm quan trọng của việc sử dụng đúng cách ngôn ngữ Viết trong tiếng Trung và xác định những khó khăn mà sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân gặp phải khi sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp nhằm giúp sinh viên cải thiện và nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ viết tiếng Trung.

Từ khóa: Ngôn ngữ Viết, tiếng Trung, khó khăn, giải pháp khắc phục, sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân.

1. Đặt vấn đề

Học ngoại ngữ đã và đang trở thành xu hướng lựa chọn tích cực của giới trẻ, đặc biệt là tiếng Trung. Trong tiếng Trung, có một điều mà hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng “viết” chính là loại kỹ năng khó chinh phục nhất. Tuy nhiên, trong quá trình học tập tại đại học, có rất nhiều sinh viên vẫn đang có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa ngôn ngữ Nói và ngôn ngữ Viết đồng thời hầu như không ý thức được tầm quan trọng của việc nhầm lẫn nghiêm trọng này. Tùy vào tình huống giao tiếp, việc sử dụng không đúng ngôn ngữ tiêu chuẩn cho thấy rõ lỗ hổng kiến thức của sinh viên, khiến bài nói hoặc bài viết trở nên lạc lõng, mất đi giá trị ngôn ngữ vốn có. Vậy, hiện nay sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân đang gặp phải những khó khăn nào và cần có những giải pháp nào để nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung cho sinh viên cũng đang là một vấn đề đáng phải quan tâm.

2. Cơ sở lý luận về ngôn ngữ Viết tiếng Trung

2.1. Khái niệm ngôn ngữ Viết

Ngôn ngữ Viết là một loại ngôn ngữ dùng các chữ viết để ghi chép lại để “đọc”, nó được hình thành trên cơ sở của ngôn ngữ Nói, biến hệ thống ký hiệu ngôn ngữ Nghe Viết trở thành hệ thống ký hiệu ngôn ngữ dùng để “đọc”. Đồng thời, ngôn ngữ Viết cũng là một dạng ngôn ngữ Nói hoàn chỉnh hơn.

Cũng như những ngôn ngữ khác, tiếng Trung cũng chia ra thành hai loại ngôn ngữ như trên. Hiện nay, ngôn ngữ Viết tiếng Trung cũng đang tồn tại, phát triển song song và cũng đóng phần quan trọng nhất định trong kho tàng ngôn ngữ của Trung Quốc.

2.2. Đặc điểm của ngôn ngữ Viết

Vì được sử dụng hầu hết trong văn bản như: sách báo, tạp chí v.v... nên từ ngữ trong ngôn ngữ Viết sẽ được gọt giũa, chọn lọc hơn so với những từ ngữ được dùng trong ngôn ngữ Nói. Cũng vì đặc điểm này, mọi người ít sử dụng các từ ngữ của ngôn ngữ Viết để giao tiếp với nhau trong đời sống hằng ngày, mà chỉ sử dụng loại ngôn ngữ này trong các tình huống cần mang tính nghiêm túc.

Một đặc điểm khác của ngôn ngữ Viết là không được tiếp xúc trực tiếp với người đọc; nhân vật giao tiếp trong phạm vi lớn, thời gian lâu dài và không đổi vai; người giao tiếp phải biết các ký hiệu chữ viết, quy tắc chính tả, quy cách tổ chức văn bản; chưa kể, người sử dụng ngôn ngữ Viết sẽ có điều kiện suy ngẫm, lựa chọn, gọt giũa các phương tiện ngôn ngữ. Ngoài ra, ngôn ngữ Viết sẽ sử dụng chữ viết thay vì sử dụng âm thanh như ngôn ngữ Nói, đồng thời từ ngữ được sử dụng trong ngôn ngữ Viết được chọn lọc kỹ, sử dụng từ ngữ phổ thông; các câu sẽ được viết chặt chẽ và văn bản sẽ có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.

2.3. Tầm quan trọng của ngôn ngữ Viết

Cùng với ngôn ngữ Nói, ngôn ngữ Viết trở thành một phần không thể thiếu trong ngôn ngữ nói chung cũng như Tiếng Trung nói riêng. Trong Tiếng Trung, tần suất xuất hiện của ngôn ngữ Viết trong cuộc sống không thua kém gì ngôn ngữ Nói. Chính vì thế, ngôn ngữ Viết có vai trò cực kỳ quan trọng trong Tiếng Trung.

Đầu tiên, ngôn ngữ Viết có vai trò thể hiện tính chặt chẽ, mạch lạc, tính khoa học và chuyên nghiệp của văn bản và lời nói thông qua cách dùng từ, kết cấu và hình thức của văn bản.

Thứ hai, bên cạnh việc thể hiện tính chặt chẽ, mạch lạc và tính chuyên nghiệp của văn bản và lời nói, thì ngôn ngữ Viết trong Tiếng Trung còn có vai trò giúp cho văn bản và lời nói có tính trang trọng và lịch sự hơn.

Thứ ba, trong Tiếng Trung, việc sử dụng ngôn ngữ Viết còn giúp cho câu văn và lời nói hàm súc, chữ ít nghĩa nhiều và sâu lắng hơn.

Nói tóm lại, trong Tiếng Trung, việc sử dụng ngôn ngữ Viết sẽ làm cho câu văn trở nên trang trọng, tao nhã hơn, ít dùng từ vô nghĩa hơn và ngôn ngữ trở nên đẹp hơn. Ngoài ra, việc sử dụng ngôn ngữ Viết trong Tiếng Trung còn giúp chúng ta tăng khả năng tư duy, trau dồi trí tưởng tượng và rèn luyện tính kiên trì, điềm tĩnh.

3. Thực trạng sử dụng ngôn ngữ viết tiếng Trung của sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân

3.1. Tình hình sử dụng ngôn ngữ Viết trong tiếng Trung của sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân

Về tình hình sử dụng ngôn ngữ Viết trong tiếng Trung, mặc dù sinh viên đã biết đến thuật ngữ “ngôn ngữ Viết” tiếng Trung, nhưng mức độ sử dụng còn rất ít và không thường xuyên. Ngoài ra, sinh viên hiện nay còn đang gặp nhiều vấn đề trong việc phân biệt giữa “Ngôn ngữ Nói” và “Ngôn ngữ Viết”. Điều này cho thấy, trong quá trình học tập như luyện tập viết các văn bản bằng tiếng Trung, sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân chưa có nhiều cơ hội được nắm bắt hay trau chuốt kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung của mình và còn khá mơ hồ về tính học thuật của loại hình ngôn ngữ này.

Trong thực tế, bản chất ngôn ngữ Viết vốn được sử dụng nhiều trong giáo dục học tập và được thể hiện chủ yếu qua văn chương. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hầu như sinh viên đều không có cơ hội sử dụng ngôn ngữ Viết một cách thường xuyên trong đời sống. Hầu hết người học nhìn nhận ngoại ngữ là một môn học thuộc lòng câu chứ không cần đến quá trình tập luyện để đạt đến trình độ sử dụng ngôn ngữ trong những ngữ cảnh phù hợp. Việc dạy và học ngoại ngữ vẫn chỉ tập trung cho việc thi đỗ môn học, khiến sinh viên không chịu thực hành và sử dụng nhuần nhuyễn. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên  không có thói quen chủ động trau dồi ngôn ngữ Viết tiếng Trung vào thực tiễn, đây sẽ là một nguyên căn khá hệ trọng dẫn đến nhiều lỗ hổng kiến thức ngôn ngữ sau này.

3.2. Khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung

3.2.1 Khó khăn xuất phát từ quá trình học tập và bản thân sinh viên

Dựa vào kết quả khảo sát mà nhóm nghiên cứu đã khảo sát các bạn sinh viên K26 của Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng hầu hết các bạn sinh viên gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung xuất phát từ việc các bạn không có nhiều kiến thức về ngôn ngữ Viết tiếng Trung cũng như là do lạm dụng quá nhiều ngôn ngữ Nói trong việc học tập thường ngày.

Trong quá trình học tiếng Trung, ngoài việc học tập những kiến thức mà giảng viên truyền đạt ở trên trường, sinh viên còn phải tự tìm hiểu và học thêm những kiến thức ở bên ngoài. Tuy nhiên, việc sinh viên tự học thêm ở nhà mà không có sự hướng dẫn của giảng viên đôi khi sẽ gặp một số có khăn như sinh viên không biết cách dùng của từ vựng, không biết từ vựng này được sử dụng trong ngôn ngữ Nói hay ngôn ngữ Viết…Chính vì vậy, việc phần lớn sinh viên không học thêm hoặc tự học thêm ở nhà đã dẫn đến việc sinh viên có ít kiến thức hoặc có sự nhầm lẫn về ngôn ngữ Viết tiếng Trung, từ đó dẫn đến việc sinh viên gặp nhiều khó khăn trong việc vận dụng ngôn ngữ Viết vào việc học tập.

Ngoài ra, trong quá trình học tập tiếng Trung, sinh viên tiếp xúc với ngôn ngữ Nói nhiều hơn, đồng thời không phân biệt được đâu là ngôn ngữ Nói, đâu là ngôn ngữ Viết, từ đó dẫn đến việc sinh viên lạm dụng ngôn ngữ Nói quá nhiều và dẫn đến hệ lụy sử dụng nhầm lẫn giữa ngôn ngữ Nói và ngôn ngữ Viết.

Nhìn chung, nguyên nhân phần lớn sinh viên gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung xuất phát từ quá trình học tập và do chính bản thân sinh viên, do sinh viên ít học thêm các kiến thức ở ngoài mà chỉ học kiến thức ở trên trường, cũng như do chính bản sinh viên thiếu kiến thức về ngôn ngữ Viết, từ đó không phân biệt được đâu là ngôn ngữ Viết sử dụng trong văn bản và đâu là ngôn ngữ Nói được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày.

3.2.2. Khó khăn đến từ môi trường học tập và chương trình giảng dạy

Môi trường học tập là một trong những nhân tố dẫn đến việc sinh viên gặp phải trở ngại trong việc sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung. Tại thời điểm tham gia khảo sát, sinh viên K26 tiếp xúc với ngôn ngữ Viết chủ yếu thông qua môn Viết tiếng Trung, vì vậy trong quá trình học tập tại trường, cơ hội để sinh viên tiếp xúc với ngôn ngữ Viết tiếng Trung vẫn còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, với thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển, hầu hết sinh viên chủ yếu giao tiếp với giảng viên Trung Quốc hoặc nói chuyện với người Trung Quốc thông qua các trang mạng xã hội. Việc giao tiếp với người Trung Quốc qua các trang mạng xã hội mặc dù có thể giúp sinh viên cải thiện rõ rệt trình độ khẩu ngữ, tuy nhiên hạn chế là sử dụng nhiều ngôn ngữ Nói và ít có sự vận dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung.

Ngoài ra, các chương trình giảng dạy tiếng Trung ở trường hiện tại chỉ chủ yếu tập trung vào việc giảng dạy các kiến thức ở trong giáo trình mà chưa có sự chú trọng vào việc lồng ghép các kiến thức ngôn ngữ Viết vào bài giảng, điều này góp phần dẫn đến việc sinh viên thiếu hụt kiến thức về ngôn ngữ Viết và gặp khó khăn trong việc vận dụng ngôn ngữ Viết vào việc học tập ở trên trường.

3.3. Hệ quả của việc sử dụng ngôn ngữ Viết trong tiếng Trung không đúng cách của sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân

3.3.1. Xuất hiện lỗ hổng kiến thức trong việc áp dụng ngôn ngữ Viết

Thông qua khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng các bạn sinh viên vẫn có sự hiểu biết nhất định về ngôn ngữ Viết. Khi yêu cầu là các bạn sinh viên hãy nhận biết hai từ sau, đâu là thuộc ngôn ngữ Viết: 是不是是否 (dịch nghĩa: có phải không) thì hầu hết sinh viên đều chọn 是否 là ngôn ngữ Viết (đáp án chính xác). Với các câu hỏi trắc nghiệm mang tính nhận thức, phân biệt giữa hai loại ngôn ngữ Viết và ngôn ngữ Nói như ví dụ trên, các bạn sinh viên đa số đều trả lời đúng. Qua đến mục chọn đâu là câu sử dụng ngôn ngữ Viết bắt đầu xuất hiện sự phân vân của các sinh viên khi chọn ra đáp án chính xác nhất. Ở một câu hỏi yêu cầu sinh viên chọn ra đáp án đúng giữa hai câu “最近几年,物价涨得很厉害。” và “近年来,物价不断上涨。 (Tạm dịch: Giá cả tăng nhanh trong những năm gần đây.), tuy rằng phần lớn các sinh viên vẫn chọn đúng đáp án “近年来,物价不断上涨。”, nhưng tỷ lệ số sinh viên chọn đáp án chính xác lại thấp hơn so với phần nhận biết từ nào là ngôn ngữ Viết.

Tiếp đó, các bạn sinh viên K26 còn có xu hướng bỏ trống hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ dịch thuật để trả lời các câu hỏi có những từ ngữ thuộc ngôn ngữ Viết phức tạp. Ví dụ ở câu hỏi yêu cầu dịch sang tiếng Việt với câu “夫妻如果想要白头偕老,就必须互相体谅,彼此信任。” Theo thống kê, có đến hơn một nửa các bạn đã sử dụng phần mềm dịch thuật để trả lời câu hỏi này với câu trả lời giống hệt nhau là “Vợ chồng muốn cùng nhau già đi thì phải quan tâm và tin tưởng lẫn nhau”.

Ngoài ra, còn xuất hiện một lỗ hổng kiến thức rất lớn từ các bạn sinh viên K26 khi sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung. Tuy đã học một lượng “kha khá” từ vựng về loại ngôn ngữ này, nhưng khi kết hợp các từ vựng lại với nhau, các bạn sinh viên vẫn chưa thể thực sự nắm bắt được để biến nó thành một câu hoàn chỉnh. Lấy ví dụ với câu: “Đừng nóng vội khi xử lý một việc, nếu không sẽ dục tốc bất đạt đấy”, hầu như toàn bộ các bạn sinh viên đều sử dụng công cụ dịch để trả lời câu hỏi này, nhưng điều quan trọng rằng, câu trả lời do công cụ đó dịch ra là sai hoàn toàn so với đáp án, chỉ có số ít các bạn có trình độ HSK cao hơn trả lời được câu hỏi này.

Tóm lại, các bạn sinh viên K26 Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân vẫn có sự hiểu biết nhất định về loại ngôn ngữ Viết này, nhưng chỉ nằm ở mức sơ khai, cơ bản, các bạn vẫn chưa tìm hiểu sâu hơn về từ vựng, kiến thức của loại ngôn ngữ này, chưa kể, lỗ hổng kiến thức ở các bạn đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Vậy nếu như không kịp thời “vá lại” lỗ hổng này thì khi lên năm thứ tư với những kiến thức chuyên sâu hơn, vận dụng nhiều từ ngữ của ngôn ngữ Viết hơn, với tình hình đó, các bạn sinh viên có thể tiếp thu được hết những kiến thức mà giảng viên truyền đạt cho các bạn hay không? Tóm lại, đây là một vấn đề mà chúng ta cũng cần phải cân nhắc suy nghĩ và tìm ra giải pháp.

3.3.2. Nhầm lẫn trong việc sử dụng ngôn ngữ Viết và ngôn ngữ Nói

Ngoài việc có một lỗ hổng lớn về kiến thức ngôn ngữ Viết, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng đa số các sinh viên K26 cũng thường nhầm lẫn hai ngôn ngữ Nói và Viết với nhau. Các bạn sinh viên phần lớn đều thích sử dụng ngôn ngữ Nói khi viết văn bản, nguyên nhân là vì các bạn cho rằng ngôn ngữ Nói phổ biến hơn cũng như không có kiến thức về ngôn ngữ Viết. Qua đó có thể phản ánh được việc ngôn ngữ Nói được sử dụng phổ biến như thế nào, và cũng từ đó, chúng ta cũng dễ dàng phát hiện ra, các bạn sinh viên sẽ ưu tiên học và thực hành từ ngữ của ngôn ngữ Nói nhiều hơn, khiến các bạn ít tìm hiểu thông tin về ngôn ngữ Viết, dẫn đến một kết quả khác là các bạn có xu hướng ngộ nhận một vài từ ngữ vốn là thuộc ngôn ngữ Nói, nhưng thực tế nó là ngôn ngữ Viết và ngược lại.

Trong mục dịch câu từ tiếng Việt sang tiếng Trung có yêu cầu sinh viên dịch câu “Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam càng ngày càng đi lên” sang tiếng Trung. Tuy là một câu khá đơn giản với các sinh viên năm 3, nhưng khi yêu cầu các bạn sử dụng từ ngữ của ngôn ngữ Viết để dịch, nhóm nghiên cứu thấy được sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa hai ngôn ngữ này của các bạn. Hầu hết các bạn đều sử dụng cụm “越来越” để dịch cụm “càng ngày càng” trong tiếng Việt, tuy đây là một cụm có ý nghĩa giống với câu gốc, nhưng với yêu cầu sử dụng ngôn ngữ Viết thì nó lại không hề phù hợp với yêu cầu của đề bài. Thay vì sử dụng “越来越” thì chúng ta sẽ ưu tiên sử dụng cụm “日益” cũng mang nghĩa là “càng ngày càng” được sử dụng phổ biến trong văn Viết để dịch câu.

Cũng yêu cầu các bạn dịch thuật từ Việt sang Trung nhưng với một câu hỏi khác: “Bạn có suy nghĩ gì đối với sự việc này không?”, theo kết quả khảo sát, câu hỏi lần này có vẻ tương đối quen thuộc so với các bạn sinh viên hơn, nên phần trăm câu trả lời đúng cũng tăng lên rất nhiều so với câu trước, tuy nhiên vẫn còn một số ít các bạn tiếp tục sử dụng ngôn ngữ Nói để làm bài, đa số các bạn đều trả lời “你对这件事有什么想法?” hoặc “对这件事来说,你有什么思维吗?”, những câu này không phù hợp với yêu cầu mà đề bài đã cho, thậm chí các bạn còn đặt câu “thuần ngôn ngữ Nói”, như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình học hỏi cũng như giao tiếp thông qua văn bản sau này của các bạn.

Qua đó có thể thấy rằng ngoài hệ quả việc các bạn cho rằng từ vựng ngôn ngữ Nói chiếm ưu thế hơn, thì việc các bạn bị nhầm lẫn, cho rằng từ các bạn đang sử dụng là từ ngữ của ngôn ngữ Viết cũng là một lý do quan trọng khiến “lỗ hổng kiến thức” về ngôn ngữ Viết của các bạn sinh viên càng ngày càng trầm trọng cũng như càng ngày càng thấy khó khăn hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ Viết của bản thân. Vì vậy, cần phải nhanh chóng tìm ra giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề này cho các bạn sinh viên học tiếng Trung, đặc biệt là các bạn sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân.

4. Đề xuất giải pháp khắc phục và nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ viết trong tiếng trung

4.1. Đối với sinh viên

Sinh viên cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản vững chắc về thuật ngữ “ngôn ngữ Viết” tiếng Trung. Sinh viên có thể thông qua các phương tiện mạng truyền thông xã hội, sách báo hay thậm chí là tư liệu qua bài nghiên cứu của nhóm nghiên cứu để nắm rõ được khái niệm, đặc điểm và tình huống sử dụng của ngôn ngữ Viết tiếng Trung. Nắm được lý thuyết cơ bản là nền tảng để sinh viên phân biệt được trong hoàn cảnh nào chúng ta nên sử dụng ngôn ngữ Nói hoặc Viết, từ đó có phương hướng sử dụng ngôn ngữ biểu đạt thích hợp.

Sinh viên cũng nên thường xuyên vận dụng kiến thức đó vào học tập và thực tiễn để duy trì được năng lực sử dụng ngôn ngữ của bản thân. Sinh viên sau khi học mỗi từ vựng mới cần chú ý cả thể loại từ, nghĩa và hoàn cảnh sử dụng, thông qua từ điển hoặc mạng internet tìm xem cách vận dụng đặt câu của người bản xứ và tự rút ra đặc điểm phân biệt hay mẹo ghi nhớ cho bản thân.

Thường xuyên đọc sách báo, tài liệu tiếng Trung cũng là một phương pháp vô cùng hiệu quả giúp sinh viên nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ Viết của bản thân. Hầu hết các thể loại báo chí, văn chương của người Trung Quốc đều sử dụng phương thức biểu đạt bằng ngôn ngữ Viết, vận dụng nhiều từ ngữ và thành ngữ có tính mĩ miều; các chương trình truyền hình liên quan đến học thuật cũng không còn xa lạ đối với dân học ngoại ngữ. Sinh viên có thể thông qua đây tiến hành ghi chép và học hỏi là cách cải thiện và nâng cao trình độ sử dụng tiếng Trung.

Bên cạnh những giải pháp trên, sinh viên cũng nên gạt bỏ sự ngại ngùng, chú ý nghe giáo viên giảng bài và đồng thời học hỏi thêm từ bạn bè. Trường học chính là một trong những môi trường tuyệt vời để người học áp dụng và phát triển tư duy ngôn ngữ. Sinh viên nên mạnh dạn phát biểu trong các tiết học nhiều hơn để giảng viên phát hiện được ưu nhược điểm của học sinh, từ đó giúp các bạn tìm thấy phương pháp học đúng đắn. Bên cạnh đó, “học thầy không tày học bạn”, tận dụng mọi cơ hội học tập từ mọi người xung quanh, học hỏi những điều hay từ bạn bè chưa bao giờ là vô ích nếu chúng ta chịu chủ động hơn.

Mỗi ngày sinh viên hãy dành ra ít nhất một tiếng rưỡi cho việc luyện tập sử dụng ngôn ngữ Viết để tiến hành viết các đoạn văn, bài văn bằng tiếng Trung, thông qua những người có chuyên môn như giảng viên hỗ trợ sửa chữa lỗi sai hoặc qua việc sử dụng công cụ web “秘塔写作猫”. “秘塔写作猫” là một trang web không những giúp chúng ta phát hiện lỗi sai về ngữ pháp và từ vựng mà còn tiến hành đánh dấu đề xuất từ ngữ, sửa chữa bài viết sao cho phù hợp. Đây là một trang web vô cùng hữu ích với những bạn đang học tiếng Trung.

Ngoài ra, sinh viên thông qua mạng xã hội có thể tìm kiếm  thông tin về các khóa học online miễn phí từ những trường Đại học tại Trung Quốc, thông qua việc trao đổi, học tập với người bản xứ giúp nâng cao năng lực tiếng Trung đáng kể.

Cuối cùng, sinh viên hãy tự tổng hợp bảng đối chiếu từ ngữ dùng trong ngôn ngữ Nói và Viết thông qua quá trình học tập. Trong quá trình học tập hoặc sinh hoạt, khi bắt gặp phải những từ ngữ ngôn ngữ Viết hoặc Nói sinh viên có thể ghi chép, so sánh và tích lũy lại thành một bảng đối chiếu. Như vậy, bất kể là sử dụng ngôn ngữ nào đi chăng nữa, chúng ta hoàn toàn có thể nhanh chóng vận dụng từ ngữ phù hợp với ngữ cảnh. Đồng thời quá trình ghi chép đối chiếu như vậy cũng khiến cho người học có thể khắc ghi sâu hơn những từ vựng này, từ đấy nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Trung.

4.2. Đối với giảng viên

Giảng viên là một trong những nhân tố quan trọng giúp ích cho việc cải thiện và nâng cao việc sử dụng ngôn ngữ Viết trong tiếng Trung của sinh viên. Ngoài việc giảng dạy những kiến thức nằm trong giáo trình, giảng viên cũng nên trang bị thêm một số phương pháp giúp sinh viên nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Viết để vận dụng vào bài học và trong các bài văn.

Giảng viên nên cải thiện và nâng cao kiến thức về ngôn ngữ Viết tiếng Trung của bản thân để việc dạy học đạt được hiệu quả tốt nhất, trao dồi và học hỏi với các giảng viên khác về phương diện ngôn ngữ Viết, từ đó đem đến cho sinh viên những kiến thức phong phú và bổ ích.

Đối với các môn học liên quan đến ngôn ngữ Viết, giảng viên cần có sự giảng giải cặn kẽ về cách sử dụng của loại ngôn ngữ này cho sinh viên. Giảng viên cần làm rõ sự khác biệt giữa ngôn ngữ Nói và ngôn ngữ Viết để sinh viên hiểu rõ khái niệm, cách sử dụng của hai loại phong cách ngôn ngữ này, từ đó nâng cao trình độ học tập và nhận thức của chính bản thân sinh viên.

Giảng viên có thể kết hợp những phương pháp học tập hữu ích nhằm tạo hứng thú học tập cho sinh viên. Trước mỗi buổi học, giảng viên có thể cho sinh viên xem những chương trình hoặc radio liên quan đến học tập, đời sống để nâng cao kĩ năng nghe và học thêm một số cách sử dụng từ ngữ trong văn Viết.

Ngoài ra, giảng viên cần rèn luyện cho sinh viên cách sử dụng ngôn ngữ Viết trong tiếng Trung thông qua việc giao các bài tập liên quan đến ngôn ngữ Viết cho sinh viên, như cho một đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ Nói và yêu cầu sinh viên dùng phong cách ngôn ngữ Viết để viết lại đoạn văn. Đối với những môn học có bài khóa, giảng viên nên giải thích cho sinh viên xem đâu là bài khóa sử dụng ngôn ngữ Nói, đâu là bài khóa sử dụng ngôn ngữ Viết, từ đó giúp sinh viên có cái nhìn rõ hơn về hai loại phong cách ngôn ngữ này.

Nâng cao tần suất giảng dạy của các giảng viên Trung Quốc cũng là một trong những giải pháp thiết thực nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ Viết tiếng Trung của sinh viên.

5. Kết luận

Nhìn chung, đa số các sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân đều nhận thức được tác dụng của ngôn ngữ Viết tiếng Trung trong quá trình học tập và làm việc trong cuộc sống. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên vẫn chưa thực sự chủ động trong việc chủ động sử dụng từ vựng của ngôn ngữ này. Nguyên nhân có thể vì bản thân sinh viên cảm thấy ngôn ngữ Nói phổ biến hơn, dễ sử dụng hơn, hoặc cảm thấy khó khăn khi sử dụng từ vựng của ngôn ngữ Viết hơn là ngôn ngữ Nói. Phần lớn sinh viên vẫn có kiến thức nhất định về từ vựng của ngôn ngữ Viết, nhưng đa số đều nằm ở mức độ sơ cấp, với những từ vựng trung và cao cấp hơn thì sinh viên đa phần đều cảm thấy lúng túng, dẫn đến tạo ra một lỗ hổng kiến thức khá lớn trong sinh viên.

Qua bài nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu hy vọng sinh viên đang học tiếng Trung nói chung, sinh viên K26, Khoa Tiếng Trung, Đại học Duy Tân sẽ có thể từng bước cải thiện được kiến thức về loại ngôn ngữ này. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng mong rằng các giảng viên cũng sẽ tăng cường bổ sung, cung cấp, lồng ghép các từ vựng của ngôn ngữ Viết vào trong các giờ học để giúp sinh viên hiểu rõ hơn ngôn ngữ này!

Tài liệu tham khảo

        1. Phan Thị Ai (2010), Mạch lạc trong văn bản, từ https://journal.hcmue.edu.vn/index.php/hcmuejos/article/viewFile/1001/9926, truy cập 13/12/2022.
        2. Vũ Thị Thái Lan (2011), Đặc điểm của ngôn ngữ Nói và ngôn ngữ Viết, từ https://vndoc.com/dac-diem-cua-ngon-ngu-noi-va-ngon-ngu-viet-184793#mcetoc_1dm6gjlve4, truy cập 15/12/2022.
        3. Bùi Thị Ánh Tuyết, Đề cương bài giảng “Ngôn ngữ học đại cương”, từ https://daihoctantrao.edu.vn/media/files/nndc.pdf, truy cập 12/12/2022.
        4. Patricia J. Brooks và Vera Kempe (2012), Language development, New Jersey: John Wiley & Sons.
        5. 蔡永强 (2012), 发展汉语(第二版)中级写作(I), 北京:北京语言大学出版社.        
        6. 陈馨 (2021), 汉语国际教育中留学生书面语体意识培养研究,硕士学位论文,沈阳师范大学.
        7. 程璐 (2012), 试论对外汉语教学中的书面语教学, 吉林大学文学院.
        8. 冯胜利 (2005), 汉语韵律语法研究, 北京:北京大学出版社.
        9. 郝林 (2019), 当代语法理论与汉语作为第二语言的语法教学, 北京:社会科学文献出版社.
        10.  李晓璇 (2020), 留学生汉语书面语口语化现象及教学对策研究, 沈阳师范大学文学院.
        11. 姜丽萍 (2015), HSK 标准教程5上,北京:北京语言大学出版社.
        12. 中国社会科学院语言研究所词典编辑室 (2016), Ứng dụng từ điển 现代汉语词典(第七版), 北京:商务印书馆, Truy cập tháng 12/2022.
        13. 百科百度, 书面语, từ https://baike.baidu.com/item/%E4%B9%A6%E9%9D%A2%E8%AF%AD/10344355?fr=aladdin, truy cập 15/12/2022.