star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Phương pháp đổi mới dạy học môn viết tiếng Trung với sáu bước (MS. THANH THÚY)


    Phương pháp đổi mới dạy học môn viết tiếng Trung với sáu bước sau:

 

Đối với mỗi đơn vị bài học, quá trình dạy học môn viết thường gồm các hoạt động và nội dung như sau: Dẫn nhập, truyền đạt kiến thức ngôn ngữ mới, phân tích bài mẫu, bài tập củng cố kiến thức, thực hành luyện kỹ năng viết, sửa bài viết. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và các phần mềm dạy học hiện nay, các hoạt động và nội dung này đều có thể được sử dụng và hoàn toàn có thể đạt hiệu quả cao.

 

Dẫn nhập: Giảng viên có thể sử dụng video để dẫn nhập vấn đề với mục đích tạo sự chú ý và gây hứng thú cho người học, đồng thời dẫn dắt kiến thức mới sẽ thuận lợi, dễ hiểu và hấp dẫn hơn.

 

Truyền đạt kiến thức ngôn ngữ mới: Từ mới, mẫu câu khó. Phần này người dạy có thể sử dụng phần mềm tạo trình chiếu như MS Powerpoint, PhotoStory (tạo Slide kể chuyện với hình ảnh minh họa) sẽ gây được hứng thú cho người học, nhờ sự truyền đạt và tiếp nhận tri thức dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như văn bản và hình ảnh (khi cần triển khai từ mới), hoạt cảnh, âm thanh (khi cần tạo tình huống xuất hiện mẫu câu khó). Bằng kỹ năng sư phạm, người dạy tạo ra một câu chuyện kể thú vị làm cho tiết học viết trở nên sinh động, dẫn dắt vào việc phân tích bài văn mẫu sẽ thuận lợi hơn, giúp người học dễ dàng nắm được nội dung bài mẫu. Giờ học viết sẽ hoàn toàn thoát khỏi được sự nhàm chán với phương pháp thuyết trình truyền thống của người dạy.

 

Phân tích bài mẫu: Giảng viên có thể dùng kỹ thuật Highlight để làm rõ những cấu trúc khó, nổi bật được ý chính của bài, đồng thời giảng viên chuẩn bị hệ thống câu hỏi phát huy trí lực và phù hợp với khả năng tiếp thu của sinh viên, dành thời gian cho sinh viên phát biểu, bày tỏ chứng kiến. Sinh viên tự đánh giá bằng cách nhận xét ý kiến sinh viên vừa phát biểu, sau đó người dạy kết luận lại cho chính xác. Giáo viên không nên sửa lỗi ngay cho sinh viên mà khai thác lỗi để sinh viên không còn mắc lại lỗi đó. Tất cả hoạt động trên đều tạo sự tương tác giữa thầy và trò làm cho tiết học sinh động, lôi cuốn.

 

Bài tập củng cố kiến thức: Với sự trợ giúp của phần mềm soạn thảo văn bản như MS Word...hỗ trợ cho người dạy có thể soạn thảo các bài tập củng cố kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời cũng dễ dàng chuyển đến cho người học bằng nhiều con đường khác nhau như tài liệu photocopy, USB, mạng máy tính, mạng Internet và các dịch vụ trên Internet (Email). Nhờ công nghệ trên, người học có một nguồn tài liệu tham khảo dồi dào để tự trau dồi, hoàn thiện kỹ năng viết, giảm tải thời lượng ghi chép, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nhiều hoạt động dạy học theo hướng tích cực trên lớp học như thảo luận, làm việc nhóm cùng đưa ra hướng giải quyết và đáp án chính xác.

 

Thực hành luyện kỹ năng viết: Người dạy thiết kế bài tập viết với một đoạn video clip thu lại những hình ảnh sống động từ thực tế cuộc sống hoặc download từ mạng những đoạn video clip và một số hình ảnh làm tình huống giao bài tập viết cho sinh viên sẽ làm tăng sự cảm nhận về cuộc sống. Ví dụ, khi dạy bài văn miêu tả, người dạy có thể chiếu một video clip do chính mình thu lại về ngày lễ tết để yêu cầu sinh viên viết một bài miêu tả cảnh vật lễ tết.

 

Sửa bài viết: Người dạy có thể vận dụng phương pháp dạy học theo nhóm vào việc nâng cao chất lượng sửa bài viết, một là làm giảm gánh nặng sửa bài viết cho giáo viên, hai là tạo cho sinh viên có cơ hội làm việc theo nhóm để tự sửa bài cho nhau trước khi nộp cho giáo viên, giúp cho sinh viên được thực hành nhiều hơn, thực sự cảm nhận, đánh giá những sai sót trong bài viết.